bt2506

Sự lây lan toàn cầu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 là kịch bản không lường trước được của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển. Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, tạm đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn cung cầu trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như:

– Đơn đặt hàng bị hủy, tạm hoãn;

– Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất;

– Nhiều mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu vì lý do đảm bảo an ninh kinh tế và đảm bảo nguồn trang thiết bị, vật tư y tế trong nước dùng để chống dịch COVID-19. Trung Quốc đã cấm hãng Mölnlycke của Thuỵ Điển xuất khẩu áo bảo hộ y tế từ nhà máy ở Trung Quốc sang các nhà máy tại Cộng hòa Czech để đóng gói các dụng cụ phẫu thuật lưu thông tại thị trường châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) ngừng xuất khẩu từ các công ty của Bỉ vốn được quyền phân phối hàng hóa cho những thành viên không thuộc EU như Switzerland và Na Uy.

Những sự kiện kể trên phần nào đang phản ánh chính sách thương mại của nhiều nước trong ngắn hạn như sau:

– Tại thời điểm hiện tại, nhiều nước, trong đó chủ yếu các quốc gia phát triển, đã dựng lên rào cản thương mại đối với nhiều nhóm hàng y tế và thực phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo an ninh y tế và an ninh lương thực nội địa;

– Nhiều nước đang tính đến chuyện đưa hoạt động sản xuất về nước hoặc gần các thị trường tiêu thụ lớn. Xu hướng này đã bắt đầu từ Hoa Kỳ mấy năm nay, tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố về việc các nhà sản xuất Hoa Kỳ nên rút dây chuyền sản xuất về trong nước để tạo thêm nhiều việc làm mới và thúc đẩy nền sản xuất nội địa.

Những điều này đang làm thay đổi bản chất ban đầu của chủ nghĩa toàn cầu hóa, và đặt thách thức lên sự tồn tại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ý kiến chuyên gia, nhiều nước đang sẵn sàng đổi hiệu quả kinh tế để tiến tới tự chủ trong sản xuất kinh tế, giảm thiểu phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài. 

Một mặt khác, liệu kịch bản này có khả thi khi các quốc gia có nền công nghiệp phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) sẽ phải đối mặt với việc tăng chi phí nhân công, sản xuất trong trường hợp chuyển dây chuyền sản xuất về nước. Điều này sẽ dẫn đến giá thành phẩm tăng cao và làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Vì vậy trong dài hạn, chủ nghĩa toàn cầu hóa sẽ không bị chấm dứt nhưng sẽ thay đổi khi mà các quốc gia trên thế giới sẽ đặt lợi ích an ninh kinh tế trong dài hạn cao hơn hiệu quả kinh tế trước mắt. Trong thời điểm hiện tại, các nền kinh tế đã quá phụ thuộc lẫn nhau về nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất, nguồn nhân công giá rẻ.

Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần lưu ý để bắt kịp với xu hướng chung về chính sách của nhiều thị trường lớn. Việt Nam có thuận lợi nhất định khi trong thời gian vừa qua đã khống chế được sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng từ đó nối lại hoạt động sản xuất và việc Hiệp định tự do thuơng mại Việt Nam-EU đi vào thực thi ngay trong tháng 08 sắp tới. 

Ngoài ra để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp nên chú trọng vào yếu tố chất lượng hàng hóa và độ thân thiện môi trường của sản phẩm để tạo sự khác biệt phục vụ các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, trong giai đoạn sắp tới, nhiều khách hàng từ thị trường nước ngoài sẽ có xu hướng đặt hàng theo các đơn nhỏ lẻ với yêu cầu thời gian sản xuất và vận chuyển nhanh hơn.

Thông tin tham khảo xem tại:

https://vnexpress.net/covid-19-an-mon-toan-cau-hoa-kinh-te-4118559.html

https://fbsp.ftu.edu.vn/xu-huong-san-xuat-va-tieu-dung-moi-trong-nganh-det-may-tai-thi-truong-chau-au/

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top