bt266

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Trong giai đoạn trước dịch COVID-19, trong lĩnh vực dệt may, cả phía nhà sản xuất và người tiêu dùng đều có xu hướng quảng bá hàng hóa và mua sắm theo cách thức truyền thống qua các cửa hàng đặt tại nhiều điểm mua sắm trong thành phố. Trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, khi nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, cách thức kinh doanh truyền thống này đã trở thành điểm yếu cũng như làm giảm doanh thu của nhiều nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới. Ngay tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), nơi được coi là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới, nhiều nhãn hàng và cửa hàng thời trang đã gặp vô vàn thách thức, khó khăn. Hàng loạt các thương hiệu thời trang đã phải nộp đơn xin phá sản như Primark, Laura Ashley, Debenhams.

Tuy nhiên, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi theo xu hướng gia tăng mua sắm nhóm hàng dệt may qua nền tảng thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không biến mất, nhưng cách thức mua hàng đã có sự thay đổi. Thương hiệu thời trang Zara thuộc công ty Inditex (Tây Ban Nha) đã phải chịu thiệt hại hơn 500 triệu đô trong quý I/2020 vì dịch COVID-19. Tuy nhiên bên cạnh đó, doanh thu từ bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng đến 95% trong tháng 04 vừa qua. Điều này đã thúc đẩy công ty Inditex lên kế hoạch đến năm 2022 đóng cửa 1200 cửa hàng trên toàn cầu để tập trung phát triển mảng bán hàng trực tuyến. Theo dự kiến trong 3 năm sắp tới, công ty Inditex sẽ đầu tư 1 tỷ đô nhằm nâng cấp, phát triển và quảng bá sản phẩm qua nền tảng thương mại điện tử của công ty. 

Ngành dệt may là một trong các ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, theo xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới. Một mặt khác, việc Việt Nam khống chế được sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã phần nào bảo đảm được môi trường sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, ngay trong tháng 08 tới đây, Hiệp định tự do thuơng mại Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo cam kết EVFTA, EU sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan nhóm mặt hàng dệt may từ Việt Nam trong vòng 5-7 năm.

Vì vậy đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần nắm bắt cũng như bắt kịp xu hướng kinh doanh và tiêu dùng mới tại thị trường EU để có hướng sản xuất và quảng bá hàng hóa phù hợp. Trong giai đoạn hậu COVID-19, doanh nghiệp nên mở rộng tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, nhằm phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, các Bộ ngành liên quan trong thời gian qua đã có các chính sách giới thiệu, đào tạo, kết nối doanh nghiệp ngành dệt may với các sàn thương mại điện tử thế giới. Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp cùng công ty Amazon Global Selling hỗ trợ và tổ chức đào tạo về kỹ năng kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử Amazon. Theo kế hoạch trong thời gian sắp tới, phía các cơ quan chức năng sẽ đàm phán với các sàn thương mại lớn như Alibaba, Global Sources, Fibre2Fashion để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường EU.

Thông tin chi tiết xem tại:

https://thegioitiepthi.vn/xuat-khau-qua-moi-truong-so-cua-ngo-dua-hang-det-may-viet-vao-eu-181329.html

https://kenh14.vn/zara-se-dong-cua-1200-cua-hang-tren-toan-cau-trong-vong-2-nam-toi-20200614161315081.chn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top