bt37

Phát triển kinh tế gắn liền với đổi mới và áp dụng công nghệ là xu hướng chung trên toàn thế giới hiện nay. Kinh tế số đang từng bước thay thế nền kinh tế vật thể truyền thống. Việc áp dụng các công nghệ như dữ liệu quy mô lớn (Big Data), liên kết chuỗi (blockchain), trí thông minh nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu đám mây đều góp phần hỗ trợ Chính phủ các quốc gia nói chung, và doanh nghiệp nói riêng tối ưu hóa chi phí, đạt hiệu quả cao nhất trong điều hành và quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nắm bắt được xu thế chung toàn cầu cũng như sự cần thiết đổi mới để đảm bảo phát triển kinh tế lâu dài, vào ngày 03/06/2020, Chính phủ đã ra Quyết định về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình này được xây dựng để đưa ra nội dung chi tiết về mục tiêu, giải pháp phát triển Chính phủ số và Kinh tế số. Ngoài ra, Chương trình cũng đề cập đến nhóm lĩnh vực cần ưu tiên đẩy mạnh trong quá trình chuyển đổi số.

Một trong các mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển nền kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế Việt Nam. Một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030 như sau:

– Kinh tế số chiếm 30% GDP;

– Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;

– Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);

– Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);

– Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Bên cạnh đó, trong Chương trình cũng đề cập đến việc phát triển nền tảng số như:

– Xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tận dụng và kế thừa những hệ thống, nền tảng sẵn có để phục vụ giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác một cách dễ dàng, đơn giản, tiện lợi. Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác giữa một số tổ chức, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội để cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử;

– Xây dựng hệ thống thanh toán điện tử cho phép doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money) đối với người dân để phổ cập, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân;

– Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính doanh nghiệp, đô thị, ngân hàng số và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.

Ngoài ra, sẽ phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số như sau: 

– Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi;

– Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất;

– Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội;

– Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Theo kế hoạch Chương trình, Nhà nước sẽ xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh và từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam chưa được thực hiện rộng rãi, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ có 30% DNNVN biết đến và áp dụng chuyển đổi số ở giai đoạn đầu. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, đã ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư áp dụng công nghệ trong kinh doanh. Theo báo cáo của ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và hãng đánh giá tín dụng Dun&Bradstreet, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã ưu tiên đầu tư, áp dụng công nghệ để quản lý dòng tiền trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua.

Chuyển đổi số là cần thiết để doanh nghiệp hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai. Chính phủ đã và sẽ hoàn thiện các chính sách liên quan để tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển sang nền kinh tế số. Trong giai đoạn tới, cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp để quá trình chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả.

 

Nội dung chi tiết Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-749-QD-TTg-2020-phe-duyet-Chuong-trinh-Chuyen-doi-so-quoc-gia-444136.aspx

Thông tin tham khảo xem tại: 

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-324025.html

http://baodongnai.com.vn/kinhte/202006/doanh-nghiep-voi-bai-toan-tai-cau-truc-sau-dich-covid-19-3008737/

https://bnews.vn/doanh-nghiep-nho-asean-uu-tien-dau-tu-cong-nghe/161522.html

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top