bt1206

Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực lên nhiều mặt kinh tế và xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tạm thời hạn chế hoặc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là một trong các ngành kinh tế thiệt hại nặng nề nhất. Tại nhiều quốc gia châu Á với mức độ tăng trưởng ngành du lịch ổn định trong nhiều năm cũng đã phải đối mặt với tình trạng kinh doanh đi xuống. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản đã đón lượng khách kỷ lục 31,9 triệu người với mức tăng trương 7 năm liên tiếp thì đầu năm nay khách từ các thị trường nước ngoài tới Nhật giảm đỉnh điểm đến 93% trong tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Ngành du lịch Thái Lan cũng phải đối mặt với kịch bản tương tự.

Ngành du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đi xuống chung của thế giới. Từ đầu tháng 3, số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến các khu du lịch đã bắt đầu sụt giảm. Nhiều đường bay quốc tế và nội địa của các hãng hàng không đã bị cắt giảm hoặc tạm dừng. Theo ước tính của Tông cục Du lịch Việt Nam, thiệt hại của ngành du lịch trong 4 tháng đầu năm nay lên đến 7 tỷ đô và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đến cuối năm khó có thể phục hồi về số lượng so với năm 2019.

Cuối tháng 4, tại Việt Nam đã kiểm soát được sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng, kết thúc giãn cách xã hội và kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Các doanh nghiệp ngành du lịch Việt Nam cũng cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, bắt kịp xu hướng để kích cầu du lịch đồng thời với việc đảm bảo môi trường an toàn cho du khách. Tại thời điểm hiện nay, tạm thời khách quốc tế đến Việt Nam vẫn bị hạn chế nhằm phòng ngừa lây lan dịch bệnh và vì thế du lịch nội địa sẽ là trọng tâm cần quan tâm và khai thác trong thời gian tới.

Ngành du lịch nội địa trong giai đoạn hậu COVID-19 chịu tác động bởi các yếu tố như:

– Sự thận trọng của du khách trong việc lựa chọn các điểm đến đảm bảo an toàn về sức khỏe;

– Sự thận trọng trong chi tiêu của du khách;

– Các yếu tố khách quan như lịch nghỉ hè muộn của học sinh, sinh viên.

Một số xu hướng du lịch giai đoạn tới theo nhận định của các cơ quan chuyên môn (Tổng cục Du lịch, Hội đồng tư vấn Du lịch) cũng như qua khảo sát tình hình kích cầu du lịch tại các tỉnh, thành (Bình Thuận, Phan Thiết) như sau:

– Mô hình gói du lịch ngắn ngày dành cho các đoàn khách ít người (tour dành cho nhóm khách gia đình, bạn bè);

– Mô hình gói du lịch cá nhân;

– Mô hình du lịch sinh thái, thân thiện môi trường;

– Mô hình du lịch tiết kiệm. Hạn chế một số điểm đến thu phí cao trong chương trình tham quan nhằm tối ưu hóa chi phí du lịch;

– Xây dựng tour du lịch nhỏ lẻ phục vụ du khách nước ngoài bị kẹt lại Việt Nam trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn du lịch, việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như các sản phẩm du lịch là cần thiết để phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cũng như địa phương nên xây dựng chương trình kích cầu du lịch qua các gói ưu đãi đa dạng với lộ trình giảm dần từ nay đến cuối năm nhằm thu hút sự chú ý của du khách.

Thông tin tham khảo xem tại: 

https://bnews.vn/xu-huong-du-lich-thay-doi-sau-dich-covid-19/159377.html

http://baochinhphu.vn/Du-lich/Xu-huong-du-lich-sau-dich-thay-doi-nguoi-lam-du-lich-can-nhay-ben/396810.vgp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top