phoi canh cua chung cu hinode city

Hình hài Việt Nam đến năm 2045?

Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra những mục tiêu, tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI, cụ thể: (i) đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và (ii) đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hình dung ra Việt Nam đến năm 2045, chúng ta cần nhìn lại hình hài Việt Nam 25 năm về trước, Việt Nam hiện tại và 25 năm sau.

Về quy mô nền kinh tế: GDP Việt Nam năm 1995 là 20,74 tỷ USD, còn rất nhỏ bé, đứng thứ 58 trên thế giới. Đến năm 2020GDP Việt Nam khoảng 340 tỷ USD (gấp hơn 16 lần năm 1995), đứng thứ 37 thế giới, thuộc cận trên của nhóm thu nhập trung bình thấp, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến năm 2045, với giả định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn 2021-2045, qui mô nền kinh tế khi đó sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ USD (gấp 5,5 lần năm 2020), tương đương quy mô kinh tế của Hàn Quốc, Italia, Canada, Australia, Nga ….năm 2020.

Về thu nhập bình quân đầu người: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV tạm thời dùng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người (dù chỉ tiêu này chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện mức thu nhập của người dân, nhưng đang là chỉ tiêu được WB sử dụng để so sánh quốc tế và Nhóm tác giả sẽ đề xuất dùng các chỉ tiêu song hành khác sau). Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 1995 là 290 USD (đứng thứ 175/195 quốc gia), năm 2020 là 3.520 USD (gấp 12 lần năm 1995, đứng thứ 121/195 quốc gia) và năm 2045 sẽ đạt khoảng 14.730 USD (với giả định GDP tăng trưởng 7%/năm và dân số tăng 1,1% giai đoạn 2021-2030 và 1,05% giai đoạn 2031-2045). Mức này vượt mốc 12.375 USD (cận dưới của nhóm nước có thu nhập cao); tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Ba Lan (15.300 USD), cao hơn Malaysia năm 2020 (10.200 USD) và tương đương Trung Quốc năm 2025…(với giả định GDP của Trung Quốc tăng trưởng 7%/năm từ nay đến 2025…v.v. Với đà này, Việt Nam vẫn cách xa Trung Quốc khoảng 20 năm về thu nhập bình quân đầu người.  

Về cơ cấu nền kinh tế: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV không dùng số liệu về cơ cấu nền kinh tế năm 1995 (do phương pháp thống kê khi đó chưa tính đến thuế sản phẩm). Năm 2020, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ước tính là khu vực Nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 14,85% GDP; Công nghiệp – xây dựng 33,72%; Dịch vụ 41,63%, còn lại thuế sản phẩm 9,8%. Ước tính tốc độ tăng trưởng của 3 khu vực này và tham khảo mô hình phát triển của Hàn Quốc, Trung Quốc; đến năm 2045, khu vực Nông-lâm-ngư nghiệp dự báo chiếm khoảng 10%; Công nghiệp – xây dựng 37%; Dịch vụ 45%, còn lại là thuế sản phẩm khoảng 8%.

Về đóng góp của các khu vực, thành phần kinh tế:

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, năm 1995, kinh tế Nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo, đảm nhận hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế (đóng góp 40,2% GDP), kinh tế tư nhân (gồm kinh tế tập thể, doanh nghiệp tư nhân và hỗn hợp, hộ kinh doanh cá thể) đóng góp lớn (53,5% GDP) và khu vực FDI còn mới (đóng góp 6,3% GDP). Đến năm 2020, cùng với tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, kinh tế Nhà nước thu hẹp, đóng góp 27,1% GDP, kinh tế tư nhân 42,7% GDP và khu vực FDI phát triển, đóng góp 20,2% GDP.

Đến năm 2045, theo Nhóm tác giả, với chủ trương Việt Nam tiếp tục cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng và thu hút FDI sàng lọc hơn; khi đó, đóng góp của 3 khu vực này được dự báo sẽ là KTNN (khoảng 18-20% GDP), kinh tế tư nhân (60–65% GDP) và khu vực FDI (18-20% GDP).

Về đóng góp của kinh tế số: với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo xu thế chung và tận dụng cơ hội, nền kinh tế cũng sẽ dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, lấy năng suất dựa trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo. Theo đó, kinh tế số sẽ phát triển nhanh và giữ vai trò ngày càng lớn. Theo số liệu từ Temasek (tháng 11/2020), năm 2020kinh tế số Việt Nam chiếm khoảng 5,2% GDP. Đảng và Nhà nước đưa ra mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP năm 2030 và dự báo chiếm 40-45% GDP đến năm 2045.

\"Hình

Thực hiện công cuộc đổi mới từ đầu năm 1987, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế 25 năm qua (1996-2020) đạt bình quân là 6,51%/năm, nhưng cái giá phải trả hơi đắt, đó là lạm phát khá cao, bình quân cả giai đoạn này là 6,03%/năm.

Với cơ hội đan xem thách thức, với nội lực, vị thế và tiềm năng, nhất là về năng suất, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm từ nay đến năm 2045 với 4 điều kiện quan trọngMột là, cần nắm bắt được xu thế, vị thế để có thể tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức. Hai là, cần thẳng thắn nhận diện đúng và trúng thế mạnh, điểm yếu của Việt Nam để phát huy (điểm mạnh) và khắc phục điểm yếu (rào cản) đó. Ba là, cần có niềm tin, khát vọng và phát huy sức mạnh tổng hợp (như Thủ tướng đã từng đề cập). Điều này rất đúng vì sức sáng tạo, năng suất tiềm năng của con người là rất lớn; nếu biết cách tập hợp, phát huy và nhân rộng thì kết quả mang lại rất tích cực. Khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Quản trị Kinh doanh Harvard năm 2013 đối với gần 20.000 doanh nghiệp lớn trong giai đoạn 18 năm cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp có nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh cao gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp bình thường. Bốn là, cần xác định đúng và nhất quán thực hiện các đột phá chiến lược đã đưa ra cùng với sáu giải pháp chiến lược như Nhóm tác giả gợi ý dưới đây.

Sáu giải pháp chiến lược

Ngoài ba đột phát chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua là hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như đã được thực hiện trong 10 năm qua (nhưng lần này yêu cầu ở tầm cao hơn, chất lượng hơn); để đạt được mục tiêu trên, cùng với mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV gợi ý 6 giải pháp chiến lược sau.

Một là, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội xanh là tất yếu. Giải pháp này mới đảm bảo phát triển bền vững; giảm tổn thất môi trường, xã hội; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh y tế và tăng chất lượng cuộc sống và \”sức khỏe vật chất và tinh thần\” (wellness) cho người dân.

Hai làđẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính quyền số và xã hội số; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Theo Báo cáo của Tổ chức tư vấn CSIRO (Úc) phối hợp Bộ KH-CN năm 2019, nếu Việt Nam lựa chọn phương án \”Chuyển đổi số\”, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,1 điểm %/năm đến năm 2035. Để đạt được chỉ tiêu kinh tế số chiếm đến 30% GDP năm 2030 (như Nghị quyết của Đại hội và Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ), phấn đấu đạt 40-45% GDP năm 2045, thì kinh tế số cần tăng trưởng 15%/năm.

Ba là, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài, phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa và hỗ trợ các DNNVV. Kinh tế tư nhân (gồm cả doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tập thể và hộ kinh doanh cá thể), đóng góp 42,7% GDP năm 2020. Theo tính toán sơ bộ của Nhóm tác giả, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, thì GDP Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 0,16 điểm %.

Bốn là, chú trọng tăng năng suất, coi đây là vấn đề then chốt đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc cho thấy để có được phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 1980-2000 (tăng trưởng 7,8%/năm) thì tốc độ tăng trưởng của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) khoảng 2%/năm và đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP khoảng 40% (theo CIEM). Cùng với đó, năng suất lao động trong giai đoạn này tăng 6,2%/năm (theo OECD).

Năm là, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó tăng hiệu quả huy động và phân bổ nguồn lực; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế (từ mức 37% lên 50-60% các FTAs như các nước trong khu vực); qua đó góp phần tăng xuất khẩu và thu hút FDI bền vững.

Cuối cùng, hết sức chú trọng đảm bảo ổn định nền tảng vĩ mô; tăng năng lực cạnh tranh, khả năng tự chủ, tự cường và chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc. Bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình phát triển 25 năm qua là Việt Nam đã phải trả giá khá đắt về bất ổn vĩ mô ở nhiều thời điểm (lạm phát bình quân tăng 6,03%/năm giai đoạn 1996-2020), tỷ giá biến động khá mạnh (nhất là giai đoạn trước năm 2016), ô nhiễm môi trường và không khí tăng (nhất là ở những thành phố lớn), hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng phổ biến, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI về xuất khẩu, tính kết nối của các khu vực doanh nghiệp và liên kết vùng lỏng lẻo…v.v.

Kết luận: Việt Nam có quyền hy vọng đạt được mục tiêu là trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 với những giả định và điều kiện nhất định. Thành quả đó phụ thuộc vào khát vọng, niềm tin; vào việc thực hiện thành công 3 đột phát chiến lược đã đề ra và sáu giải pháp chiến lược nêu trên. Những quyết sách quan trọng này đang chờ lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Với vận hội mới, khí thế mới, vị thế mới; chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự bắt tay quyết liệt, hành động cụ thể và hiệu quả của các lãnh đạo.       

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top