bt0106

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn vừa qua đã tác động tiêu cực đến một loạt các lĩnh vực kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã phải đối mặt với một loạt các thách thức, bao gồm khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ giấy tờ thông quan hàng hóa khi nhiều cơ quan có thẩm quyền tại nhiều nước phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ đã gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/03 (dự kiến đến hết 31/05) và vì vậy các cơ quan có thẩm quyền tại đây tạm thời hạn chế các hoạt động.

Ngày 07/04, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai “Nền tảng trực tuyến để khai và cấp chứng nhận điện tử xuất xứ ưu đãi đối với các lô hàng xuất khẩu của Ấn Độ theo các hiệp định thương mại tự do”. Nền tảng này được thiết kế như là một điểm truy cập cho tất cả các giấy chứng nhận xuất xứ sử dụng cho tất cả hàng hóa xuất khẩu theo hiệp định tự do thương mại (FTA) và hiệp định về thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) tại: https://coo.dgft.gov.in

Mặt khác, giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa có thỏa thuận chính thức về việc áp dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử. Nhằm tháo gỡ vấn đề về mặt thủ tục pháp lý này, vào ngày 27/05 Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona (COVID-19).

Thông tư số 47 có quy định trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ như sau:

  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sử dụng chữ ký và con dấu điện tử:

Cơ quan hải quan chấp nhận C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử với điều kiện cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu có thông báo về việc cấp C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử và cung cấp trang thông tin điện tử để tra cứu C/O hoặc phương thức tra cứu khác về C/O.

Cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức tra cứu khác của cơ quan cấp để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định và in một bản C/O để lưu hồ sơ hải quan.

  • Bản chụp/bản scan C/O:

Cơ quan hải quan chấp nhận bản chụp/bản scan C/O với điều kiện cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo về việc sử dụng bản chụp/bản scan của bản chính C/O và cung cấp bản chụp/bản scan C/O hoặc trang thông tin điện tử hoặc phương thức kiểm tra khác cho cơ quan hải quan để xác định tính hợp lệ của C/O.

Cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của C/O bản chụp/bản scan trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức kiểm tra khác do cơ quan cấp cung cấp để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định và in một bản C/O để lưu hồ sơ hải quan.

Các chính sách mới từ Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ sẽ phần nào hỗ trợ được cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giai đoạn này. Việt Nam và Ấn Độ cùng tham gia vào Hiệp định về hàng hóa ASEAN-Ấn Độ từ năm 2010. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Ấn Độ trong năm 2019 ước tính đạt 11,2 tỷ đô. Cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong năm vừa qua bao gồm sắt thép, dược phẩm, hàng thủy sản.

 

Nội dung chi tiết Thông tư số 47/2020/TT-BTC: https://luatvietnam.vn/xuat-nhap-khau/thong-tu-47-2020-tt-btc-thoi-diem-nop-chung-tu-chung-nhan-xuat-xu-183926-d1.html

Thông tin chi tiết xem tại: https://congthuong.vn/khong-con-vuong-mac-ve-giay-chung-nhan-xuat-xu-giua-viet-nam-va-an-do-138051.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top