Trong giai đoạn những năm 1980, Liên bang Xô Viết, ngày nay phần lớn lãnh thổ thuộc Liên bang Nga, đã từng là một trong các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong giai đoạn 1986-1990, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đây đã từng là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày, cao su tự nhiên, gạo, chè, cà phê, hoa quả tươi.
Tuy nhiên sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ vào năm 1990, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga (quốc gia kế thừa Liên bang Xô Viết) trải qua thời kì gián đoạn trong hợp tác thương mại vào những năm 1990. Với nỗ lực của Chính phủ hai nước cũng như doanh nghiệp đôi bên, trong những năm gần đây, hợp tác thương mại hai bên đã có nhiều bước tiến đáng kể. Vào năm 2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (Liên bang Nga là thành viên chủ chốt bên cạnh nước Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgystan) đã ký kết Hiệp định tự do thương mại. Đây được coi là một trong các cột mốc quan trọng mở đường cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nga nói riêng và vào thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu nói chung.
Theo số liệu thống kê Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), trong năm 2019, kim ngạch thương mại giữa khối với Việt Nam đạt 6,69 tỷ đô (trong đó giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,99 tỷ đô), kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt 4,92 tỷ đô (trong đó giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,78 tỷ đô). So sánh với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, kim ngạch thương mại với Nga và EAEU vẫn rất khiêm tốn. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến như:
– Thiếu thông tin dẫn đến việc khó nắm bắt được nhu cầu thị trường;
– Các quy định về vấn đề kiểm định, kiểm soát chất lượng hàng hóa, dán mác bao bì trong khối EAEU đang trong quá trình hoàn thiện để tạo thành một quy chuẩn chung dành cho hàng hóa lưu thông tại thị trường EAEU. Điều này phần nào là rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, bắt kịp các quy định mới trong khối EAEU.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thành công nhất định trong việc đáp ứng các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Nga nói riêng, và EAEU nói chung.Vào ngày 15/06/2020, Cơ quan Giám sát thú y và Kiểm dịch thực vật Liên bang Nga (Rosselkhoznadzor) đã cho phép công ty cổ phần sữa Vinamilk xuất khẩu sữa vào thị trường EAEU (theo chỉ thị FS-NV-7/16956 (ФС-НВ-7/16956)). Đây là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu cũng như khẳng định thương hiệu sữa Việt Nam tại thị trường EAEU.
Thị trường sữa tại EAEU có độ cạnh tranh rất cao ngay cả đối với các thương hiệu sữa trong nội khối. Đây cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn các nhóm mặt hàng sữa. Theo thống kê EAEU năm 2019, trên 80% các mặt hàng sữa nhập khẩu được tiêu thụ tại thị trường Nga. Theo thống kê thương mại nội khối EAEU năm 2019, Belarus được coi là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất sữa phát triển và là một trong các nhà cung cấp chủ đạo mặt hàng này vào thị trường Nga. Khả năng sản xuất đa dạng nhiều sản phẩm sữa và chi phí vận chuyển thấp là lợi thế cạnh tranh của mặt hàng sữa Belarus.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nga và EAEU, các thương hiệu sữa uy tín Việt Nam nên đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm lớn tại Nga. Để được quyền xuất khẩu vào EAEU, công ty Vinamilk đã có quá trình tiến hành quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại tại Nga từ năm 2015.
Bên cạnh đó, mặt hàng sữa xuất khẩu vào EAEU cũng cần phải đáp ứng các quy định liên quan như:
– Quy định kỹ thuật số 033/2013 về sữa và các sản phẩm sữa (ТР ТС 033/2013) ban hành năm 2013, được bổ sung sửa đổi vào tháng 12 năm 2019. Quy kỹ thuật số 033/2013 bao gồm quy định chi tiết về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, nhãn mác đối với các loại sản phẩm sữa;
– Quy định về dán nhãn kiểm soát nhận dạng hàng hóa (Контрольный идентификационный знак). Nhãn kiểm soát nhận dạng hàng hóa được các nước thành viên EAEU thử nghiệm và tiến hành áp dụng theo lộ trình đối với nhiều loại mặt hàng. Nhãn kiểm soát nhận dạng hàng hóa tích hợp mã vạch hàng hóa truyền thống, mã QR và công nghệ RFID (Radio Frequency Identification). EAEU áp dụng quy định về dán nhãn này nhằm kiểm soát từ khâu sản xuất, nhập hàng, vận chuyển, phân phối và lưu thông dến các điểm bán lẻ. Điều này góp phần kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa, chống hàng giả và nâng cao công tác quản lý thuế tại lãnh thổ EAEU.
Nhãn kiểm soát nhận dạng hàng hóa đối với mặt hàng quần áo làm từ lông thú được áp dụng bắt buộc từ tháng 08/2016. Theo lộ trình đến cuối năm 2020, hàng loạt hàng hóa lưu thông tại thị trường EAEU sẽ phải dãn nhãn kiểm soát nhân dạng như giày dép, mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc lá, một số nhóm mặt hàng may mặc. Nhóm sản phẩm sữa đang trong quá trình thử nghiệm dán nhãn kiểm soát nhận dạng đến hết năm 2020 và theo dự kiến áp dụng bắt buộc dần từ tháng 01/2021.
Vì vậy việc công ty cổ phần sữa Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được vào danh sách xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Nga và EAEU đã phần nào chứng minh được chất lượng sản phẩm hàng Việt Nam cũng như khả năng đáp ứng quy định hàng hóa tại các thị trường nước ngoài khác nhau.
Nội dung chi tiết về quy định kỹ thuật số 033/2013 xem tại: http://docs.cntd.ru/document/499050562 (bằng tiếng Nga)
Thông tin tham khảo về nhãn kiểm soát nhận dạng hàng hóa xem tại:
http://customs.ru/uchastnikam-ved/markirovka-tovarov (bằng tiếng Nga)
https://goznak.ru/products/4317/ (bằng tiếng Nga)
http://www.eurasiancommission.org/en/nae/news/Pages/6-02-2018-1.aspx (bằng tiếng Anh)
Nội dung Chỉ thị số FS-NV-7/16956 (ФС-НВ-7/16956) ngày 15/06/2020 của Cơ quan Giám sát thú y và Kiểm dịch thực vật Liên bang Nga ban hành xem tại: https://www.fsvps.ru/fsvps/importExport/vietnam (bằng tiếng Nga)
Thông tin tham khảo xem tại: https://tuoitre.vn/vinamilk-duoc-cap-phep-xuat-khau-sua-vao-lien-minh-kinh-te-a-au-2020061716592343.htm