Ngày 13/12/2022, Ủy ban Châu Âu thông báo áp dụng thử nghiệm cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (Carbon border adjustment mechanism – CBAM) từ tháng 10/2023.
CBAM được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề rò rỉ carbon (carbon leakage) do sự bất cân xứng trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia ngoài khối EU, điển hình là chính sách giá carbon được EU áp dụng.
Rò rỉ carbon là hiện tượng các công ty có trụ sở tại EU có xu hướng dịch chuyển quy trình sản xuất sử dụng nhiều carbon sang các quốc gia chưa triển khai những chính sách khắt khe về môi trường. Rò rỉ carbon chỉ tạo nên sự dịch chuyển phát thải từ EU sang các quốc gia khác, giảm thiểu nỗ lực của EU trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, CBAM được EU đưa ra nhằm giải quyết tình trạng này.
Theo cơ chế này, mỗi năm, các nhà nhập khẩu Châu Âu sẽ mua chứng nhận carbon (carbon certificate) tương ứng với lượng carbon sử dụng để sản xuất hàng nhập khẩu. Giá mua tương ứng với giá carbon phải trả nếu các mặt hàng nhập khẩu này được sản xuất tại Châu Âu. Lượng carbon được sử dụng để sản xuất hàng nhập khẩu sẽ được khấu trừ trong chứng nhận carbon của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp nhà sản xuất ngoài Châu Âu có thể chứng minh rằng họ đã trả giá carbon tại nước sản xuất, lượng carbon này sẽ không bị khấu trừ trong chứng nhận carbon. Từ đó, CBAM sẽ giải quyết vấn đề rò rỉ carbon thông qua việc khuyến khích các nhà sản xuất không thuộc các quốc gia Châu Âu hướng tới các quy trình sản xuất xanh.
Trong thời gian thử nghiệm, CBAM sẽ được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như sắt, nhôm, xi măng, điện và các sản phẩm phân bón, với khả năng mở rộng phạm vi áp dụng đối với các sản phẩm hydro, hóa chất hữu cơ, nhựa, và amoniac. Đồng thời, EU cũng triển khai một hệ thống báo cáo trong giai đoạn thử nghiệm, tạo tiền đề cho việc áp dụng chính thức vào tháng 01/2026 và tạo điều kiện đối thoại với các nước thứ ba. Cơ chế này sẽ chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 01/01/2026.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu cần chuẩn bị các phương án, định hướng xuất khẩu để ứng phó với cơ chế này khi EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việc áp dụng các quy trình sản xuất xanh sẽ là một phương án được các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hướng tới, không chỉ đảm bảo hàng hóa được xuất khẩu tới thị trường Châu Âu trong thời gian tới mà còn góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp.
Trần Phương Ngọc