chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi \”COVID-19\” là \”Đại dịch toàn cầu\”. Từ đó cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc điều hành công cụ chính sách tiền tệ cần được thay đổi linh hoạt, nhạy bén để ứng phó với sự thay đổi của thời cuộc.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch

Diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do đứt mắt xích quan trọng hàng đầu là Trung Quốc cùng với hàng loạt quyết định phong tỏa và cách ly từng khu vực, từng thành phố thậm chí từng quốc gia đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung cũng như đẩy kinh tế toàn cầu tới bờ suy thoái.

Không chỉ dòng hàng hóa, dòng lao động mà cả dòng dịch vụ và tài chính tưởng như miễn nhiễm với dịch bệnh nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bị chặn đứng bởi nỗi lo sợ dịch bệnh bao trùm. Lần đầu tiên trong thời hiện đại, kinh tế thế giới cùng một lúc phải chịu đựng cả cú sốc cung lẫn cú sốc cầu từ qui mô toàn cầu, quốc gia, thành phố đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Việc thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ ở mức 2,4%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Các nền kinh tế đang phát triển sẽ sụt giảm khoảng 2% GDP thay vì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục 4,6%/năm trong suốt 60 năm trước đây.

Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, Chính phủ và Ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Trong nước, thị trường được kiểm soát ổn định, lạm phát mục tiêu có khả năng kiểm soát, tuy nhiên tăng trưởng bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Bộ Tài chính đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt chậm nộp. Cụ thể, theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền ước tính khoảng 180 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi.

Theo đánh giá của WB thì Chính phủ Việt Nam đã chủ động kiểm soát mọi tình hình nên nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài. Quý I/2020, tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. WB nhận định, với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra.

Việt Nam cũng đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với mức tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021và quanh mức 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục (WB, 2020).

Định hướng chính sách của Việt Nam cho thời kì mới

Thứ nhất, cần tiếp tục các biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn để giúp họ vượt qua khó khăn và bình ổn tiêu dùng.

Các tổ chức tín dụng cần thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ hai, ần xây dựng phương án dự phòng cho giai đoạn hậu Covid-19.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất phục hồi thì nền kinh tế các quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung lại đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những gói kích thích kinh tế khổng lồ từ phía chính phủ các quốc gia cũng như hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính quốc tế có thể trực tiếp gia tăng tỷ lệ lạm phát. Các khoản nợ khổng lồ sẽ gây áp lực cho nền kinh tế nhiều quốc gia. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng dự kiến cũng sẽ tăng khi mà nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy vì dịch. Dư địa cho CSTT nới lỏng cũng không còn do lãi suất đã giảm xuống mức rất thấp, thậm chí tại nhiều quốc gia thì lãi suất còn ở mức âm. CSTK nới lỏng cũng khó có thể tiếp tục khi mà nhiều quốc gia đã phải chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để triển khai các gói cứu trợ. Bởi vậy, Việt Nam cần phải cân nhắc để đưa ra những điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

Thứ ba, cần tiếp tục phối hợp tốt CSTK và CSTT để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Thực tế hiệu quả chưa cao khi nới lỏng CSTT và CSTK ở một số quốc gia trong giai đoạn vừa qua cho thấy nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính toàn cầu chỉ có thể được phục hồi khi hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại và điều đó chỉ có thể xảy ra khi dịch bệnh được khống chế. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên thực hiện các biện pháp tài khóa hỗ trợ công tác ứng phó y tế công cộng và trợ cấp xã hội đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Tài liệu tham khảo:

– Ánh, V. Đ. (2020). Chính sách tiền tệ tín dụng ứng phó với dịch Covid-19. Tạp chí Ngân hàng, số tháng 7.

– Dương, B. (2020, May 6). Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó. Retrieved from http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/covid19-chinh-phu-tiep-tuc-trien-khai-dong-bo-chinh-sach-ho-tro-cong-dong-doanh-nghiep-vuot-kho-322544.html

– IMF. (2020). Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới. Washington D.C.: IMF.

– Phong, N. M. (2020, May 11). Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu Covid-19. Retrieved from http://baochinhphu.vn/ Kinh-te/Dong-luc-moi-cho-nen-kinh-te-thoi-hau-COVID19/395336.vgp

– Thắng, T. (2020, March 9). Chính phủ các nước đang làm gì để phục hồi nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Retrieved from http://tapchitaichinh.vn/ tai-chinh-quoc-te/chinh-phu-cac-nuoc-dang-lam-gi-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-trong-cuoc-khung-hoang-covid19-319838.html

– WB. (2020, April). East Asia Pacific in the time of Covid-19. Retrieved from https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/brief/east-asia-pacific-in-the-time-of-Covid-19

Agribank. (2020, September). Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Retrieved from https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc-su-kien/tai-chinh-ngan-hang/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-chu-dong-linh-hoat-than-trong-gop-phan-on-dinh-kinh-te-vi-mo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top