Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế (Luật số 38/2019/QH14) nhằm đưa ra các quy định chi tiết về việc thu thuế, kê khai và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Việc này có nghĩa quan trọng đối với việc quản lý thuế của các cơ quan chức năng, đảm bảo nguồn thu ngân sách cung như hướng dẫn chi tiết việc thực hiện kê khai và nộp thuế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý trong Luật Quản lý thuế lần đầu tiên đề cập đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Trong nội dung Luật quản lý thuế bao gồm những quy định và hướng dẫn chi tiết việc kê khai và nộp thuế dành cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh như sau:
- Đối với việc nộp thuế gồm những quy định chung như sau:
– Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này;
– Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Hồ sơ khai thuế bao gồm:
– Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng là tờ khai thuế tháng;
– Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo quý là tờ khai thuế quý;
– Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm bao gồm: Hồ sơ khai thuế năm gồm tờ khai thuế năm và các tài liệu khác có liên quan đến xác định số tiền thuế phải nộp; Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế;
– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan được sử dụng làm hồ sơ khai thuế;
– Hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm: Tờ khai quyết toán thuế; Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp; Tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế;
– Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao của tập đoàn tại Việt Nam có phát sinh giao dịch liên kết xuyên biên giới và có mức doanh thu hợp nhất toàn cầu vượt mức quy định hoặc người nộp thuế có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài mà công ty mẹ tối cao có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước sở tại;
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng; Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý;
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh;
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế;
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan;
- Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế thực hiện như sau:
– Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
– Thời gian gia hạn không quá 30 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế năm, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; 60 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.
- Gia hạn thời gian nộp thuế thực hiện như sau:
– Đối với doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế trong trường hợp như bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng; phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh;
– Thời gian gia hạn nộp thuế: Không quá 1 hoặc 2 năm tùy từng trường hợp nêu trên.
- Hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm:
– Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
– Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
Luật Quản lý thuế (2019) chính thức có hiệu lực thực thi kể từ ngày 01/07/2020.
Nội dung chi tiết Luật quản lý thuế xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thue-phi-le-phi/Luat-quan-ly-thue-2019-387595.aspx
Thông tin tham khảo xem tại: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/172020-luat-quan-ly-thue-2019-chinh-thuc-co-hieu-luc-324998.html