Không ít doanh nghiệp (DN) xác định mùa trung thu năm nay sẽ lỗ nhưng vẫn cố gắng nỗ lực duy trì hoạt động để người tiêu dùng không quên thương hiệu, giữ việc làm cho công nhân.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Đô (TP HCM), nói rằng trong cuộc đời làm nghề bánh trung thu của ông chưa bao giờ đặc biệt như năm nay. \”Tôi làm giám đốc nhưng mùa này kiêm luôn kế toán, kỹ thuật và cả nấu cơm, rửa chén cho công nhân sản xuất \”3 tại chỗ\”. Mọi năm có 30 công nhân làm bánh, nay chỉ có 3 người nên mình phải lo hậu cần tốt để họ bảo đảm năng suất. Dù vậy, sản lượng bánh trung thu Thành Đô năm nay chỉ bằng 10% so với năm trước. Trong bối cảnh hầu hết người làm bánh trung thu nghỉ mà mình còn hoạt động là quá tốt rồi\” – ông Thắng nói.
Những năm trước, ngoài kinh doanh hàng do DN sản xuất, ông Thắng còn làm đại lý cho nhiều thương hiệu bánh trung thu khác với nhiều gian hàng lớn trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5). Năm nay, việc bán hàng gói gọn ở những đơn hàng bán sỉ cho cơ quan, xí nghiệp, DN. \”Những ngày gần đây, hoạt động giao hàng được nới lỏng nên nhiều người đặt mua bánh về bán online nhưng chúng tôi phải từ chối vì làm không xuể. Hiện tại, các công nhân vẫn đang tất bật để làm những đơn hàng đã chốt với khách\” – ông Thắng chia sẻ.
Công ty Mondelez Kinh Đô cũng tiếp tục sản xuất nhưng với số lượng không như mọi năm và chủ yếu tiêu thụ qua các kênh mua sắm trực tuyến, với 80 loại sản phẩm. Trong khi đó, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC) – một DN lớn về sản xuất và xuất khẩu bánh trung thu, cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch sản xuất bánh trung thu năm nay nhưng do dịch bệnh phức tạp nên phải quyết định tạm nghỉ.
Việc nhiều DN bánh trung thu lớn nhỏ đều thu hẹp hoặc tạm ngừng mùa này cũng ảnh hưởng lớn tới những DN cung cấp nguyên liệu. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay dù đã giảm khoảng một nửa sản lượng trứng muối cung cấp ra thị trường nhưng lượng tiêu thụ thực tế vẫn rất thấp, tại TP HCM chỉ đạt khoảng 10% so với năm ngoái. Do đó, công ty phải bán tháo số trứng muối tồn đọng về các tỉnh nhưng đến nay vẫn còn tồn khoảng 30%. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, cũng xác nhận lượng trứng muối cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh trung thu năm nay gần như không đáng kể.
Tuy vậy, thị trường vẫn có DN \”tay ngang\” mạnh dạn nhảy vào thị trường bánh trung thu khi các \”ông lớn\” thu hẹp hoặc tạm nghỉ. Cụ thể, thương hiệu thực phẩm Greenfeed lần đầu tham gia thị trường trung thu nhờ có kênh phân phối sẵn là chuỗi cửa hàng thịt sạch G-Kitchen hoạt động và giao hàng đến khách hàng lẻ.
Tương tự, Công ty CP Mỹ thuật Gia Long (nhãn hàng Happy Kibu) cũng mạo hiểm khi đầu tư sản xuất lồng đèn cho mùa trung thu từ tháng 6 dù thời điểm đó dịch bệnh bắt đầu leo thang. Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng – nhà sáng lập, giám đốc sáng tạo công ty – chia sẻ bà từng đắn đo trước lựa chọn dừng sản xuất hay tiếp tục. \”Cuối cùng chúng tôi quyết định tiếp tục sản xuất với hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trước trung thu. Tuy vậy, DN cũng dự trù tình huống xấu nhất là hoàn toàn không thể bán hàng được và xem đây là một khoản đầu tư cho tương lai, giữ việc làm cho người lao động. Chúng tôi đã đăng ký tham gia \”3 tại chỗ\”, có xe được phép lưu thông nên cũng giao hàng được cho một số điểm. Ngoài ra, DN còn tham gia ủng hộ lồng đèn cho các chương trình từ thiện của các nghệ sĩ, các tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc các bé trong trại cách ly. Trong dịch bệnh, các em cần các món quà tinh thần để những ngày giãn cách bớt nhàm chán\” – bà Hồng nhìn nhận.
May mắn là Happy Kibu đã xuất được chuyến hàng lồng đèn đầu tiên đi Mỹ bằng đường hàng không, bù đắp phần nào khó khăn ở trong nước. Hiện hàng đã có mặt tại siêu thị ở bang California. \”Năm đầu tiên, chúng tôi chủ yếu để thăm dò thị trường và xúc tiến mở gian hàng trên Amazon. Trong khó khăn, DN đã cố gắng xoay trở để tồn tại, hy vọng có thể thu hái thành công trong tương lai\” – bà Hồng kỳ vọng.
Theo nld.com.vn