Anh man hinh 2023 06 14 luc 21.35.29

Câu hỏi mà giới chuyên gia đặt ra là: Nếu châu Âu “hắt hơi”, liệu Mỹ có “cảm lạnh” hay không?

Tiêu dùng giảm tốc và lạm phát dai dẳng đã dẫn tới hai quý tăng trưởng âm liên tiếp của nền kinh tế sử dụng đồng Euro (Eurozone). Điều này có nghĩa là châu Âu đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, và tăng trưởng cả năm được dự báo sẽ èo uột.

Theo hãng tin CNN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc suy thoái này của Eurozone là nhẹ và toàn bộ nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) nói chung đã tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tuy vậy, các chuyên gia tỏ ra lo ngại hơn về ảnh hưởng của suy thoái ở Eurozone đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Câu hỏi mà giới chuyên gia đặt ra là: Nếu châu Âu “hắt hơi”, liệu Mỹ có “cảm lạnh” hay không?

Theo hai nhà kinh tế học Ozge Akinci và Paolo Pesenti thuộc chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), câu trả lời chuẩn xác hơn có lẽ là “khi châu Âu ‘hắt hơi’, phần còn lại của thế giới ‘cảm lạnh’”.

Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) tuần trước cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 20 quốc gia dùng chung đồng Euro đã giảm 0,4% trong quý 1/2024, sau khi giảm trong quý 4 năm ngoái. Hai quý tăng trưởng âm liên tiếp đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kinh tế kỹ thuật. Nguyên nhân khiến nền kinh tế này suy thoái là lạm phát cao khiến người tiêu dùng và các chính phủ trong khối thắt chặt chi tiêu.

Suy thoái ở châu Âu có nghĩa là nền kinh tế Eurozone nói riêng và EU nói chung đang tụt lại so với kinh tế Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), GDP của Mỹ tăng 0,3% trong quý 1 năm nay sau khi tăng 0,6% trong quý 4 năm ngoái.

Tuy nhiên, ưu thế này của kinh tế Mỹ có thể không kéo dài. Hai nhà kinh tế Akinci và Pesenti gần đây đã rà soát xem các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu có ảnh hưởng đến Mỹ hay không trong 30 năm qua. Họ rút ra kết luận là “có”.

Theo nghiên cứu, các diễn biến kinh tế ở châu Âu có thể tác động đến Mỹ qua một kênh: Thứ nhất là các mối liên kết  thương mại, vì Mỹ sử dụng hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu từ châu Âu, đồng thời sản xuất các hàng hoá và dịch vụ để xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu.

Thứ hai là các dòng chảy tài chính xuyên biên giới, khi các ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ vay và cho vay đối với người tiêu dùng và các định chế tài chính ở châu Âu. Và thứ ba, tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng đến lạm phát ở Mỹ và các cú sốc niềm tin toàn cầu có thể dẫn tới ảnh hưởng lan toả.

Một ví dụ gần đây là vào năm 2012, khi châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm.

Mối lo sợ về sức khỏe tài chính ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trên khắp châu lục. Điều đó đã khiến Fed quan ngại. Trong biên bản cuộc họp tháng 9/2012 của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã nói về nguy cơ lây lan rủi ro. Các nhà hoạch định chính sách Fed “lưu ý rằng mức độ bấp bênh cao liên quan đến cuộc khủng hoảng tài khoá và ngân hàng châu Âu cũng như triển vọng đối với các chính sách tài chính và quy chế giám sát của Mỹ đang gây áp lực lên niềm tin, do đó hạn chế chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp”.

“Nổi bật trong số những rủi ro này là khả năng gia tăng căng thẳng trong khu vực đồng Euro, với ảnh hưởng có thể lan rộng đến thị trường và tổ chức tài chính của Mỹ và do đó đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ”, theo biên bản trên.

Ở thời điểm hiện tại, châu Âu không đến mức rơi vào một cuộc khủng hoảng ở quy mô đó. Tuy nhiên, thị trường sẽ có một cái nhìn sâu hơn và rõ hơn về những gì mà Fed đang nghĩ về suy thoái kinh tế hiện tại ở châu Âu, khi ngân hàng trung ương Mỹ công bố quyết định chính sách tiền tệ và các dự báo kinh tế mới nhất vào ngày thứ Tư, khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen sẽ tới Pháp vào tuần tới để tham gia hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức nhằm giải quyết một số vấn đề bao gồm ngân hàng phát triển và nợ toàn cầu. Khi đó, bà Yellen cũng có thể đề cập đến khả năng lây lan của suy thoái kinh tế châu Âu trong các phát biểu của mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, CEO ngân hàng Goldman Sachs, ông David Solomon, nhận định kinh tế Mỹ đã giữ được sự vững vàng tới mức đáng ngạc nhiên trong năm nay nhưng sắp tới, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bước vào một chặng đường gập ghềnh hơn. “Tôi cho rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm bấp bênh. Tôi nghĩ đây là lúc cần phải thận trọng một chút”, ông Solomon nói về triển vọng kinh tế Mỹ hiện nay.

Ông Solomon dự báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào một tình trạng “có thể không phải là suy thoái, nhưng chắc chắn sẽ giống như suy thoái”. Điều đó có nghĩa là tránh được một cuộc “hạ cánh cứng” nhưng vẫn khó thoát khỏi “tăng trưởng chậm chạp và lạm phát dai dẳng” – vị CEO nhận định.

Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy số lượng việc làm mới hàng tháng đã tăng gần gấp đôi mức bình quân trong 10 năm trước đại dịch, trong khi thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed tăng cao hơn trong tháng 4. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng vẫn mạnh mẽ. Thị trường việc làm thắt chặt và tiền lương tăng đồng nghĩa với lạm phát tăng, vì các công ty phải đẩy phần tăng thêm trong chi phí nhân công về phía người tiêu dùng bằng cách nâng giá bán sản phẩm.

Ông Solomon cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này, nhưng các chỉ số kinh tế mạnh mẽ và lạm phát còn cao có thể đồng nghĩa với việc Fed còn tăng lãi suất trong tương lai. Ông nói những đợt tăng lãi suất đó “có lẽ sẽ khiến môi trường kinh tế trở nên khó khăn hơn một chút”.

Vị CEO cũng cho rằng nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, điều đó có thể sẽ không xảy ra trước cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam

 

Scroll to Top