zzzxlungxumtg 1600698111024347569331 0 41 360 581 crop 16006981202801050468401 2214
Theo nhiều chuyên gia, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu, cần có những chiến lược mới phù hợp trong hội nhập.

Từ một Việt Nam nhất quán, chủ động và tích cực trong thực thi hội nhập và mở cửa, đến nay, chúng ta đã ký kết thành công 18 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và có 14 FTA được đi vào thực thi. Trong đó, các FTA thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP, EVFTA và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) – với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác đã có các cam kết thương mại của ASEAN – tạo ra một “siêu hiệp định” bởi một khu vực thị trường lớn nhất thế giới về dân số và quy mô GDP  vào khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu.

Các FTA mới này đã và đang mở ra rất nhiều cơ hội cho thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư của Việt Nam vào các thị trường đối tác và ngược lại. Song, để có thể tận dụng được nhiều hơn các cam kết và vượt qua được những thách thức không nhỏ từ các cam kết này, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược bài bản, chủ động và thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cả tư duy và hành động.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã tham gia, đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì vậy chúng ta phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã mang lại, đó là mục tiêu hết sức lớn lao, xuyên suốt”.

Trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả” như định hương của Đảng ta tại Nghị quyết Đại hội XIII, thì một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra chính là phải làm sao để thực thi hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương – một thành viên quan trọng trong Đoàn đàm phán của Việt Nam về các Hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2011-2020 (trong đó có các Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP) Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia vào các FTA để hình thành các chuỗi liên kết mới, với những cơ chế hợp tác mới trong khu vực và thế giới. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo chính là phải chủ động cải cách và tạo môi trường thuận lợi nhất ở trong nước để phát triển nền kinh tế.

Một trong những điểm nhấn rất thành công của Việt Nam khi tham gia vào các FTA được ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh chính là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do vậy, phải tăng cường chất lượng của nguồn vốn đầu tư FDI.

“Quan trọng là tính kết nối của khối đầu tư nước ngoài này với kinh tế ở trong nước để tạo ra tính năng động hơn nữa, để nền kinh tế ở trong nước có thể phát triển và hấp thụ được những công nghệ, kỹ năng quản lý của nước ngoài, để từ đó tạo ra một bước phát triển mang tính bền vững trong tương lai. Tức là chúng ta phải đi song song, sử dụng cả nội lực và ngoại lực.

Bước đi ban đầu trong quá trình chủ động hội nhập của chúng ta là việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tiếp theo sau và được ưu tiên trong thời gian tới là chủ động chuẩn bị các điều kiện trong nước, để chúng ta có thể phát triển với chất lượng tốt hơn nữa và gắn kết tốt hơn nữa giữa nền kinh tế trong nước với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” – ông Lương Hoàng Thái nói.

Chủ động các điều kiện trong nước để có được chiến lược bài bản cho nguồn vốn FDI, ở cả chiều thu hút công nghệ của nhà đầu tư FDI và khả năng lan tỏa của nguồn vốn này – như mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong việc thu hút nguồn vốn FDI – rõ ràng là vấn đề phải làm tốt nhất có thể ở giai đoạn này.

Trong suốt 5 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phát triển cả về lượng và chất. Hiện nay cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ, trong đó có hơn 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thế nhưng, như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, không gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Để tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư này, cần có tư duy và cách làm mới”.

Tỷ lệ xuất khẩu của khối FDI vẫn đang chiếm tới 70% trong cơ cấu xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp nội địa vẫn đứng bên lề, thậm chí bị “văng” ra ngoài chuỗi sản xuất, cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, với một loạt các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA, cộng với “siêu” hiệp định RCEP – khả năng sẽ có hiệu lực trong những năm đầu của nhiệm kỳ này, là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.

“Phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, các ngành công nghiệp xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu của nước ta chủ yếu đang là ngành công nghiệp gia công lắp ráp. Tỷ lệ phụ tùng trong nước rất thấp. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra như dịch bệnh Covid-19 vừa rồi lập tức làm cho chuỗi giá trị bị đứt gãy và rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu” – TS. Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

\"Chủ
Chủ động các điều kiện trong nước để có được chiến lược bài bản cho nguồn vốn FDI, ở cả chiều thu hút công nghệ của nhà đầu tư FDI và khả năng lan tỏa của nguồn vốn FDI​​​​​.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chủ thể của hội nhập kinh tế quốc tế chính là doanh nghiệp – mà cụ thể là đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Do vậy, muốn hội nhập tốt được thì lực lượng hội nhập này phải thiện chiến, phải mạnh. Nghĩa là phải xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, phải cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước được tự chủ phát triển, có vị thế để tự tin trong đàm phán, hội nhập.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần xác định việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở của chính những cơ hội và thách thức mà các FTA mang lại cho Việt Nam. Các Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, cùng với việc mở cửa, hội nhập và để chủ động hội nhập, Việt Nam cần coi trọng thị trường nội địa để phát triển bền vững. Trong quá trình thực thi, phải thẳng thắn nhìn nhận đã có lúc, có khi sự xao nhãng đã làm cho sự hướng ngoại trở thành “sính ngoại”.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, sự thức tỉnh về tiềm năng của hai từ “nội địa” trong chiến lược toàn cầu hóa đã được nhìn nhận rõ. Trong bối cảnh “bình thường mới” – vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, cần tận dụng tối đa các cơ hội có được trong FTA để quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa.

“Với một quy mô rất rộng lớn của các khu vực thị trường mà chúng ta liên kết thông qua các FTA này, có đủ dư địa và các điều kiện để cho doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có thể tái cấu trúc lại để khai thác các cơ hội của các FTA này và tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới trong không gian kinh tế thương mại mới.

Khi tham gia vào các FTA này thì làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể hấp thụ được những công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường… Các doanh nghiệp cung ứng sẽ được hình thành và chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các chuỗi cung ứng một cách thuận lợi và bền vững hơn” – Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh.

“Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả…” đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII chỉ rõ trong “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế của giai đoạn này, Chính phủ đã đặt ra nhiều nhóm giải pháp từ bao quát – vĩ mô, đến vi mô – cụ thể.

Trong đó, Chính phủ xác định “đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước. Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do”.

Trong bối cảnh của cách mạng công nghệ 4.0, thế giới đang chuyển động không ngừng bằng việc ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, người máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật… hội nhập kinh tế quốc tế thông qua kết nối phi truyền thống, như thương mại điện tử, thương mại “không biên giới”… đã cho thấy rất hiệu quả thời gian qua, nhất là kể từ khi đại dịch covid-19 xuất hiện. Điều đó càng cho thấy yêu cầu của chuyển đổi số, đẩy mạnh các ứng dụng mới trong hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trong thời gian tới, rõ ràng để đáp ứng với bối cảnh tình hình mới thì quá trình cơ cấu lại cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần phải coi trọng 2 điểm nhấn, đó là phát triển thương mại điện tử, tăng chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp tập trung vào phát triển mạnh hơn những mô hình kinh doanh mới dựa trên những kết nối nền tảng”.

Trước những tác động của đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài tới thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, cùng với đó là rất nhiều các tác động từ bên ngoài tới nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới đây, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những quyết sách mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và thận trọng trong thực thi các chính sách kinh tế, kể cả trong các cam kết hội nhập thông qua các FTA.

Theo nhiều chuyên gia, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu. Việt Nam “cần phải có một khả năng chống chịu rất tốt, bởi thế giới luôn có những biến động và sự tổn thương của Việt Nam với môi trường thế giới là rất lớn”. Đồng thời, xây dựng lực lượng chủ động hội nhập thông qua thực thi tốt các FTA chính là phương cách tốt nhất để Việt Nam xác lập và giữ vị thế của mình trên trường quốc tế./.

Theo vov.vn


Các Hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ về chiến lược để sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Đến với buổi Hội thảo: \”Hậu Covid: Sự chuẩn bị của Doanh nghiệp Việt Nam\” các doanh nghiệp sẽ được nhận những sự chia sẻ của diễn giả về dự báo cơ hội thương mại của Việt Nam và xu hướng chính của nền kinh tế cuối năm 2021 – 2022,… Từ đó Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Đăng ký ngay tại link sau để không bỏ lỡ cơ hội ý nghĩa này: https://zfrmz.com/DpaXbPc3MEhxTC7JDBOC
————————————————————-
Hội thảo online miễn phí “Hậu Covid – Sự Chuẩn Bị Của Doanh Nghiệp Việt Nam”
\"🌟\" Đăng ký tham dự ngay tại: https://zfrmz.com/DpaXbPc3MEhxTC7JDBOC
\"🌟\" Thời gian: 14h-17h (25/06/2021)
\"🌟\" Liên hệ với chúng tôi qua:
\"📩\" Email: thamtth.ieit@ftu.edu.vn / eit@ftu.edu.vn
\"☎️\" Tel: 0966 920 170 (Ms. Thắm) / 0909 111 485 (nhánh 1)
\"🌿\" Website: ieit.vn / ieit.edu.vn
\"🌿\" Địa chỉ: A1007 Trường ĐH Ngoại thương, Số 91 Chùa Láng, Đống Đa, HN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top