Tình trạng thiếu chip kéo dài, vấn đề tắc nghẽn nghiêm trọng ở các cảng và thiếu tài xế xe tải đang khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng tột độ. Giới phân tích nhận định cơn ác mộng chuỗi cung ứng sẽ còn tệ hơn trước khi cải thiện.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, công bố hôm 12-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 6% xuống 5,9% và tăng trưởng của Mỹ từ 7% xuống 6% do các rủi ro đang tăng lên bao gồm tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo, về tổng thể, nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy giảm trong bối cảnh lạm phát tăng cao do giá cả hàng hóa leo thang và tình trạng chênh lệch cung cầu sau cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trong lời tựa của bản báo cáo, Gita Gopinath, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, viết: “Các cơn bùng phát dịch Covid-19 ở các mối liên kết quan trọng của các chuỗi ứng toàn cầu khiến các đứt gãy nguồn cung kéo dài hơn dự kiến, càng gây thêm sức ép lạm phát ở nhiều nước”.

IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. IMF nhận định vấn đề thiếu nguyên vật liệu đang kìm hãm sản lượng nhà máy ở Đức, trong khi đó, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 ở Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 đã làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.

IMF cho rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự báo trước đây do Bắc Kinh giảm chi tiêu công. Tổ chức này cảnh báo rủi ro vỡ nợ và tái cấu trúc trên diện rộng trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc sẽ đe đọa tính bền vững của đà phục hồi kinh tế. Với khối nợ hơn 300 tỉ đô la Mỹ, Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã gây lo lắng cho giới đầu tư trên toàn cầu sau khi khất nợ trái phiếu 3 lần trong 3 tuần gần đây.

Tuy nhiên, Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF cho rằng giới chức trách Trung Quốc có đủ công cụ tài chính và pháp lý để giải quyết tình hình.

Trong báo cáo hôm 11-10, các nhà phân tích của Moody’s Analytics cảnh báo tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu “sẽ tệ hơn trước khi cải thiện”. Báo cáo viết: “Khi đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được củng cố, điều ngày càng thấy rõ là đà phục hồi đó đang bị cản trở bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng mà giờ đây xuất hiện ở mọi khía cạnh”.

Báo cáo cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại đã kìm hãm hoạt động sản xuất trên toàn cầu vì hàng hóa và nguyên liệu không được giao kịp thời, khiến chi phí và giá cả tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của thế giới.

Các nhà phân tích của Moody’s Analytics nhấn mạnh mối liên kết yếu nhất trong chuỗi cung ứng là đội ngũ tài xế tải đang thiếu trầm trọng, một trong những vấn đề khiến hàng hóa tắc nghẽn ở các cảng và khiến các trạm xăng ở Anh cạn kiệt nhiên liệu. Họ cảnh báo “những đám mây đen vẫn còn ở phía trước” vì rất khó để khắc phục ách tắc chuỗi cung ứng do nhiều yếu tố.

Trước hết là chiến lược kiểm soát Covid-19 khác nhau giữa các nước. Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu “không Covid-19”, trong khi đó, Mỹ sẵn sàng sống chung với Covid-19 và xem đây là bệnh dịch đặc hữu.

“Điều này đặt ra mối thách thức nghiêm trọng đối với việc dung hòa các quy định quản lý người lao động trong ngành vận tải khi họ ra vào các cảng trên khắp thế giới”, các nhà phân tích của Moody’s Analytics viết.

Thứ hai, các nhà phân tích cho rằng đang thiếu một nỗ lực phối hợp trên toàn cầu để bảo đảm sự vận hành thông suốt của mạng lưới vận tải và logistics trên thế giới. Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp khác tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của chuỗi cung ứng. Hồi đầu tuần này, phát biểu tại một hội nghị ở Viện Tài chính quốc tế, Giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan Chase, Jamie Dimon nhận định các ách tắc trong chuỗi cung ứng sẽ qua đi nhanh chóng.

Ông nói: “Thời điểm này là giai đoạn nghiêm trọng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung cứng, vì vậy, đây sẽ không phải là vấn đề của năm sau. Tôi nghĩ các hệ thống thị trường rộng lớn sẽ điều chỉnh để thích ứng giống như cách mà các doanh nghiệp đang ứng phó”.

Hôm 13-10, tờ Financial Times dẫn một lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết các doanh nghiệp lớn bao gồm tập đoàn bán lẻ Walmart và hai hãng giao giao nhận UPS và FedEx đã cam kết tăng giờ làm việc để giảm ách tắc trong chuỗi cung ứng đang kìm hãm đà phục hồi nền kinh tế Mỹ. Theo đó, 3 doanh nghiệp này sẽ chuyển sang mô hình làm việc liên tục 24 giờ trong suốt 7 tuần trong tuần giải quyết vấn đề nhu cầu bùng nổ nhưng nguồn cung bị thiếu hụt và chậm trễ.

Theo: thesaigontimes.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top