Cong nhan lam viec tai nha may cua Porsche

Các nhà hoạch định chính sách ở Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi đầu tư công và tư nhân mạnh mẽ hơn để cải thiện sức cạnh tranh do Mỹ đang nới rộng khoảng cách về năng suất lao động so với châu Âu.

Năng suất lao động giảm ở châu Âu, tăng ở Mỹ

Dữ liệu công bố hôm 8-3 cho thấy, trong quí 4-2023, năng suất lao động của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) giảm 1,2% so với một năm trước đó. Trong khi Mỹ ghi nhận năng suất lao động tăng 2,6% trong cùng kỳ. Tăng trưởng năng suất lao động ở Mỹ cao hơn gấp đôi so với khu vực eurozone và Anh trong hai thập niên qua.

“Trong dài hạn, tăng trưởng năng suất ở Mỹ được dự đoán sẽ cao hơn ở châu Âu. Điều đó sẽ làm gia tăng khoảng cách tăng trưởng giữa Mỹ và EU”, Bart van Ark, giám đốc cấp cao của Viện Năng suất (Anh), nói.

Một số nhà kinh tế cho rằng Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn khu vực eurozone một phần vì dân số nước này trẻ hơn, tăng nhanh hơn và làm việc nhiều giờ hơn. Nhưng phần lớn của khoảng cách năng suất của Mỹ so với eurozone chủ yếu là do người lao động ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sản xuất được nhiều hơn trong mỗi giờ làm việc.

Các nhà hoạch định chính sách EU xem xu hướng này rất đáng lo ngại, phản ánh sự thất bại từ lâu của khu vực trong cuộc cạnh tranh với mức đầu tư của khu vực tư và công ở Mỹ.

Theo dữ liệu chính thức, khu vực kinh doanh phi nông nghiệp của Mỹ ghi nhận sản lượng mỗi giờ làm việc, thước đo tiêu chuẩn về năng suất lao động, tăng hơn 6% kể từ năm 2019. Tốc độ này vượt xa khu vực eurozone và Anh, nơi mức tăng trưởng năng suất chỉ khoảng 1% trong cùng thời kỳ.

Sự tăng vọt gần đây về năng suất của Mỹ diễn ra sau chương trình kích thích tài khóa lớn tập trung vào ngành công nghiệp xanh, thúc đẩy tuyển dụng và hình thành doanh nghiệp mới tại các điểm nóng về làm việc từ xa.

Ngược lại, khu vực eurozone nhận được ít sự hỗ trợ tài khóa hơn từ các chính phủ trong khi chịu sức ép giá năng lượng đắt đỏ do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sự phân mảnh của các thị trường tài chính, chính sách tài khóa và quản lý của châu Âu cũng khiến khu vực này dễ tổn thương do áp lực bên ngoài hơn Mỹ.

“Khi châu Âu gặp phải một cú sốc do sự phân mảnh này, khu vực không thể phản ứng mạch lạc như Mỹ”, Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp, nhận xét.

Gilles Moëc, nhà kinh tế trưởng của hãng bảo hiểm Axa, cho rằng xu hướng năng suất tăng chậm ở châu Âu đã kéo dài quá lâu, vì vậy, khu vực này cần phải xem xét khả năng có vấn đề gì đó mang tính cấu trúc đang xảy ra.

Moëc cảnh báo, nếu năng suất của eurozone tiếp tục tụt hậu so với Mỹ ở mức độ như hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực sẽ thấp hơn một điểm phần trăm mỗi năm so với Mỹ.

Cần lượng tiền khổng đầu để nâng mức đầu tư lên ngang Mỹ

Tháng trước, Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng thống đốc của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực eurozone phải xem nỗ lực thu hẹp khoảng cách năng suất với Mỹ là “nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết”.

Bà nhấn mạnh, đó là điều cần thiết để giải quyết “cuộc khủng hoảng năng lực cạnh tranh”, khi các nhà sản xuất EU đang đối mặt với giá năng lượng cao hơn và thách thức về lực lượng lao động lớn hơn so với các đối thủ ở Mỹ hoặc Trung Quốc.

ECB cũng lo ngại năng suất giảm sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát duy trì ở mức cao bằng cách đẩy chi phí lao động của các công ty trong khu vực lên cao.

Bà Isabel Schnabel cho rằng một nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém của khu vực euzone là khu vực này không tận dụng được lợi ích từ tính hiệu quả của các công nghệ kỹ thuật số như Mỹ đã làm ở giai đoạn trước đây. Bà nói, thúc đẩy cạnh tranh sẽ là một phần của câu trả lời.

Nhưng bà cũng kêu gọi triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn chương trình đầu tư công Next Generation trị giá hơn 800 tỉ euro của EU. Next Generation là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế dành cho các nước thành viên EU sau đại dịch Covid-19.

Cuối năm nay, Mario Draghi, cựu chủ tịch ECB, sẽ báo cáo với Chủ tịch EU về những đề xuất đầy tham vọng hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của EU.

Ông đã nói với các bộ trưởng tài chính của EU rằng họ cần huy động “một lượng tiền khổng lồ trong một thời gian tương đối ngắn” từ khu vực công lẫn tư nhân, để nâng mức đầu tư lên ngang mức của Mỹ.

Mỹ áp dụng tự động hóa nhanh hơn

Các xu hướng của thị trường lao động cũng làm nổi bật sự khác biệt về năng suất giữa eurozone và Mỹ. Theo Ariane Curtis, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao của Công ty tư vấn Capital Economics, các nhà tuyển dụng ở Mỹ có xu hướng tự động hóa nhanh hơn khi nguồn lao động khan hiếm.

Trong khi đó, doanh nghiệp châu Âu tập trung “thuê nhân công để lấp đầy khoảng trống”, thậm chí ngay cả khi ứng viên không có kỹ năng phù hợp.

Erik Neilsen, nhà kinh tế trưởng của UniCredit, cho rằng điểm yếu năng suất hiện tại của eurozone một phần là do các doanh nghiệp sử dụng tích trữ lao động trong thời kỳ kinh tế suy yếu sau khi gặp khó khăn tuyển dụng ở thời kỳ hậu Covid-19.

Ông tin rằng năng suất của khu vực có thể phục hồi nếu chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay của ECB siết chặt nhu cầu đến mức buộc doanh nghiệp sa thải bớt nhân công.

Theo Catherine Mann, thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ ở Ngân hàng trung ương Anh, năng suất của Mỹ được thúc đẩy bởi các yếu tố nhu cầu, đặc biệt khi chính phủ Mỹ tăng cường chi tiêu, đẩy mức thâm hụt ngân sách lên hơn 6% GDP vào năm 2023. Ngược lại, nhu cầu suy giảm ở cả khu vực eurozone lẫn Anh, nơi nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quí 4-2023.

Dù vậy, Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, vẫn lạc quan về năng suất của châu Âu. “Thật quá bi quan khi cho rằng khu vực eurozone hoàn toàn không được hưởng lợi khi chúng ta thực sự đang trong cơn bùng nổ năng suất nhờ công nghệ mới, tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các dịch vụ liên quan”, bà nói.

Theo Financial Times

Scroll to Top