Theo Cục Phòng vệ thương mại, CBSA đã điều tra và áp thuế chống bán phá giá với OCTG nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước từ năm 2014, với mức thuế áp dụng cho Việt Nam là 37,4%…
Đến nay, CBSA thông báo điều tra với OCTG nhập khẩu từ Việt Nam nhằm mục đích của vụ việc điều tra rà soát hiện tại là nhằm xác định lại giá trị thông thường và giá xuất khẩu làm căn cứ xác định lại biên độ phá giá.
Sản phẩm bị cáo buộc là ống thép dẫn dầu có mã HS: 7304.29.00; 7306.29.00. Giai đoạn điều tra từ 1/1/2021 đến 31/12/2021.
Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC, http://trademap.org), trong giai đoạn điều tra, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Canada.
Quy trình và thủ tục điều tra: Ngày 8/3/2022, CBSA thông báo khởi xướng vụ việc; 29/3/2022 là thời hạn cuối cùng để các nhà nhập khẩu trả lời bản câu hỏi điều tra; 14/4/2022 là thời hạn cuối cùng để các nhà xuất khẩu trả lời bản câu hỏi điều tra.
Ngày 28/7/2022 là thời hạn để các bên liên quan nộp bản bình luận về vụ việc; 4/8/2022 thời hạn cuối cùng để nộp phản biện về bản bình luận của các bên liên quan và CBSA sẽ ban hành kết luận điều tra vào ngày 6/9/2022.
Do đó, để ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu OCTG sang Canada.
Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục tái điều tra của Canada. Chủ động hợp tác với cơ quan điều tra Canada trong suốt quá trình diễn ra vụ việc (cung cấp thông tin đầy đủ, đúng hạn và cho phép cơ quan điều tra xác minh thông tin…).
Đặc biệt, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan nên thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam