Tác giả: Lê Thị Ngọc Anh

1. Giới thiệu tổng quan

Xuất hiện từ cuối năm 2019 và bùng phát vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế, kéo theo cuộc khủng hoảng về kinh tế với những ảnh hưởng nặng nề lên cả nguồn cung và cầu trên thế giới khi các biện pháp chưa từng có tiền lệ được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch, từ việc hạn chế người dân đi lại cho đến tạm dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, đóng cửa giao thương.

Thực tế, trước đó nền sản xuất toàn cầu cũng đã trải qua một sự suy giảm từ năm 2019. Nguyên nhân một phần được cho là do ảnh hưởng của sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn được gọi là Brexit cũng như căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu thì sự suy giảm ấy trở nên nghiêm trọng một cách không thể lường trước được. Cụ thể, năm 2020, GDP thực tế giảm 3.6%, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới giảm 5.3% (WTO, 2021) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm đến 42%. (UNCTAD, 2021). Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng COVID-19 đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu (Baldwin & Freeman, 2020), thương mại quốc tế (Hayakawa & Mukunoki, 2021),… Bên cạnh đó, việc COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc, nơi được mệnh danh là công xưởng toàn cầu, cung ứng nguyên vật liệu thô cho các cơ sở sản xuất trên toàn thế giới cũng cho thấy ngành sản xuất là một trong các ngành chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch này.

Cho đến nay, các biện pháp được thực hiện cũng đã đưa tình hình dịch bệnh vào vòng kiểm soát. Ngày càng nhiều quốc gia nới lòng các biện pháp phòng chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khôi phục, nền kinh tế thế giới nói chung và ngành sản xuất nói riêng đang dần được phục hồi. Báo cáo sẽ đi sâu vào phân tích thực trạng nền sản xuất thế giới cũng như tại Việt Nam sau hơn 1 năm diễn ra đại dịch, qua đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”.

2. Thực trạng ngành sản xuất toàn cầu một năm sau đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào một tình thế khó khăn, trong đó ngành sản xuất là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ khi chính phủ các quốc gia thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Song, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ và người dân các quốc gia trên thế giới, cùng với việc thực hiện các chiến dịch tiêm vắc-xin một cách nhanh chóng và rộng rãi, đại dịch đang dần được kiểm soát, các biện pháp ngăn chặn đang dần được nới lỏng. Theo đó, nền sản xuất đã và đang có những dấu hiệu phục hồi.

2.1. Thực trạng ngành sản xuất toàn cầu qua một số chỉ số quan trọng

Trải qua giai đoạn đầu và giữa năm 2020 khi nền sản xuất thế giới bị đình trệ nghiêm trọng thì đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của nhiều quốc gia tăng trở lại. Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO, 2021), tại thời điểm cuối năm 2020, ngành sản xuất tại Trung Quốc và các quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển đã quay lại chạm mốc bằng với thời điểm trước khi diễn ra đại dịch (Hình 1). Trong khi đó, các quốc gia phát triển chỉ vượt nhẹ mốc trước đại dịch vào đầu năm 2021.Tính đến quý II năm 2021, sản xuất công nghiệp toàn cầu đăng ký đạt mức tăng trưởng năm là 18.2% (Hình 2), trái ngược với thời điểm quý II năm 2020 khi đại dịch diễn biến phức tạp nhất và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh được tăng cường khi sản xuất công nghiệp toàn cầu giảm đến 11.4%. Tại thời điểm quý II năm 2021, hầu như tất cả các nền kinh tế theo kết quả báo cáo đạt mức tăng trưởng năm 2 con số. Điều này được cho là nhờ sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế vào đầu năm 2021.

                     \"\"  \"\"

Nguồn: UNIDO, 2021

Các quốc gia với nền kinh tế phát triển cũng tăng trưởng mạnh trở lại vào quý II năm 2021 khi đạt mức 19.2%. Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng có điều chỉnh yếu tố mùa vụ là 12.1%. Sản xuất công nghiệp tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi cho thấy một sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên lên đến 31/1% trong quý II năm 2021 dù cùng quý năm 2020, sản xuất công nghiệp của nhóm các quốc gia này suy giảm đến 24.2%.

Kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, lần đầu tiên xảy ra một sự sụt giảm sản xuất toàn cầu là do cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, dù cho sự sụt giảm này chưa nghiêm trọng bằng thời điểm đó. Song, Hình 3 cho thấy ngành sản xuất toàn cầu đang khôi phục trở lại một cách mạnh mẽ hơn so với lần khôi phục sau cuộc khủng hoảng trước đó. Tuy nhiên, trong tương lai, tình hình đại dịch sẽ chuyển biến như thế nào là điều vẫn chưa thể dự đoán được, do đó bối cảnh kinh tế trong tương lai vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh ở mỗi quốc gia cũng khác nhau, vì vậy thời gian tới các nền kinh tế cũng sẽ phục hồi theo tốc độ khác nhau. Đặc biệt, làn sóng virus mới diễn ra gần đây tại một số quốc gia sẽ khiến sự chênh lệch này càng lớn. Trong tình hình đó, Ngân hàng thế giới thậm chí đã đưa ra báo cáo nhằm khuyến nghị các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài (World Bank, 2021).

2.2. Thực trạng ngành sản xuất toàn cầu theo nhóm ngành

Từ năm 2018, các dấu hiệu suy thoái kinh tế đã dần được chỉ ra, mà một trong các nguyên nhân được cho là do nhưng bất ổn xung quanh sự gia tăng hạn chế giao thương. Đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm điều này trở nên tồi tệ hơn, nhưng ảnh hưởng của nó đến mỗi nhóm ngành sản xuất lại không giống nhau.

\"\"    \"\"

Nguồn: UNIDO, 2021

Phân chia theo mức độ thâm dụng công nghệ kỹ thuật, ngành công nghiệp sản xuất sẽ gồm có 4 mức độ thâm dụng công nghệ kỹ thuật là cao, trung bình cao, trung bình thấp và thấp. Theo Hình 4, mặc dù các nhóm ngành này đều suy giảm ở mức tương tối giống nhau ở quý I và II năm 2020, nhưng khi bước vào giai đoạn phục hồi thì lại có sự khác biệt. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ cao có trình độ sản xuất cao hơn nên tốc độ phục hồi cũng nhanh hơn. Cụ thể, trong quý II năm 2021, nhóm ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng trưởng nhanh đạt mức hơn 20%, trong khi nhóm ngành thâm dụng công nghệ thấp đạt 13%.

\"\"

Hình 5. Tỷ lệ tăng trưởng ước tính Q2/2021
của các nhóm ngành công nghiệp sản xuất so với Q2/2020

Nguồn: UNIDO, 2021

Hình 5 thể hiện sự tăng trưởng đáng chú ý của các nhóm ngành sản xuất, song mức độ tăng trưởng trong quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch. Ngành sản xuất xe cộ toàn cầu tăng trưởng cao nhất ở cả hai nhóm quốc gia có nền công nghiệp phát triển và đang phát triển, đạt mức gần 50%, tuy vậy vẫn chưa đạt mức trước đại dịch. Hai quốc gia mạnh về sản xuất ô tô là Đức và Pháp là minh chứng cho hiện tượng này trong thời gian gần đây khi chuỗi cung ứng liên quan đến tài nguyên và hàng hoá trung gian bị gián đoạn. Hình 6 so sánh mức tăng trưởng sản xuất ở quý II năm 2021 với thời điểm trước đại dịch là quý IV năm 2019, cho thấy rõ ràng hơn tác động của COVID-19 đến từng ngành sản xuất. Bên cạnh ngành sản xuất ô tô xe máy, các ngành may mặc, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế cũng chưa đạt được mức tăng trưởng như trước đại dịch. Song, ngành thực phẩm (chủ yếu với mức độ thâm dụng công nghệ thấp) được cho là ngành hàng thiết yếu và chỉ chịu tổn thất sản xuất ít nên đã vượt cả mức tăng trưởng cuối năm 2019.

\"\"

Hình 6. Tăng trưởng sản xuất quý II năm 2021 so với quý IV năm 2019

Nguồn: UNIDO, 2021

3. Thực trạng ngành sản xuất tại Việt Nam

Đặt ra mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã vượt qua năm 2020 nhiều đợt dịch diễn biến khó lường với mức tăng trưởng kinh tế dương. Cùng với những dự báo khả quan từ các tổ chức quốc tế và ngày càng nhiều quốc gia mở cửa nền kinh tế trở lại, tình hình khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước diễn ra tương đối thuận lợi ở những tháng đầu năm 2021. Song, trong khi tình hình kinh tế thế giới đang dần phục hồi, đặc biệt là các quốc gia phát triển, làn sóng COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 năm 2021 đã để lại nhiều hậu quả đối với cả y tế và kinh tế nước nhà. Với vai trò là ngành kinh tế trọng yếu, ngành sản xuất cũng không tránh khỏi chịu nhiều tác động. 

\"\"

Hình 7. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất Việt Nam giai đoạn 2011-2021

Nguồn: IHS Markit Vietnam Manufacturing PMI, 2021

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thậm chí là giảm sút. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn chưa từng có tiền lệ và đặc biệt nghiêm trọng vào tháng 7. Thời gian giao nhận hàng bị kéo dài mà theo IHS là dài nhất trong 10 năm. Báo cáo của IHS Markit Vietnam Manufacturing PMI (2021) chỉ ra sản lượng và đơn hàng mới trong tháng 6 đặc biệt giảm mạnh kể từ thời điểm dịch bùng phát đầu năm 2020, do đó chỉ số quản lý thu mua sản xuất tháng 6 cũng giảm mạnh từ 53.1 trong tháng 5 xuống 44.1 (Hình 7).

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã kéo dài gần nửa năm, kéo theo tác ảnh hưởng ngày càng trầm trọng đối với ngành sản xuất, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Theo Tổng cục thống kê, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III năm 2021 giảm 3.5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4.45% so với cùng kỳ năm 2020.

Bảng 1. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành sản xuất 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái

STT

Ngành công nghiệp sản xuất

Tỷ lệ tăng trưởng

1

Sản xuất kim loại

28.4%

2

Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học

7.7%

3

Sản xuất trang phục

4.8%

4

Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)

3.4%

5

Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác

2%

6

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

4.5%

7

Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)

3.4%

8

Sản xuất đồ uống giảm 

-4.2%

9

In ấn, sao chép bản ghi các loại

-2.2%;

10

Sản xuất phương tiện vận tải khác

-1.9%

11

Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất

-1.1%

Nguồn: Tổng cục thống kê, 2021

Bảng 1 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của các ngành sản xuất là không đồng đều nhau. Theo đó, các ngành trọng điểm của nước ta có tỷ lệ tăng trưởng dương như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, quang học (tăng 7.7%), sản xuất trang phục (tăng 4.8%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 4.5%). Sự tăng trưởng này đến từ việc tình hình dịch bệnh ngày càng được kiểm soát cùng công tác đẩy mạnh các chiến dịch tiêm vắc-xin giúp các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngành điện tử tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một phần lớn nhờ sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu và các đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” (chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này). Ngành sản xuất trang phục tăng có thể là nhờ các doanh nghiệp dệt may đang tận dụng tốt lợi thế khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang phục hồi và những lợi ích từ việc ký kết, thực thi các Hiệp định FTAs. Tăng trưởng cao nhất là ngành sản xuất kim loại khi đạt 28.4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành lại giảm so với cùng kỳ năm 2020 có thể kể đến: sản xuất đồ uống (giảm 4.2%), in ấn, sao chép bản ghi các loại (giảm 2.2%), sản xuất các phương tiện vận tải khác (giảm 1.9%). Điều này phần lớn là vì các biện pháp giãn cách kéo dài, dẫn đến các hàng quán thu hẹp hoặc thậm chí ngừng hoạt động, người dân thường xuyên ở nhà.

Diễn biến dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên tác động của COVID-19 đến các doanh nghiệp sản xuất cũng khác nhau. Một số nơi chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 giảm như: (1) Thành phố Hồ Chí Minh giảm 12,9% do sản xuất trang phục giảm 25,8%; dệt giảm 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 16%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,8%. (2) Bến Tre giảm 11,2% do ngành dệt giảm 25,2%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18%; sản xuất trang phục giảm 15,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 13%. (3) Đồng Tháp giảm 9,9% do sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 37,7%; sản xuất trang phục giảm 1,4%; sản xuất sản chế biến thực phẩm giảm 9,6%. (4) Cần Thơ giảm 9,8% do sản xuất trang phục giảm 33,2%; sản xuất đồ uống giảm 22,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 25,1%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 9,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 6,7%. (5) Khánh Hòa giảm 9,5% do sản xuất trang phục giảm 17,1%; sản xuất đồ uống giảm 15,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 19,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 29,7%. (6) Trà Vinh giảm 7,3% do sản xuất phân phối điện, khi đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 7,1%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 8,8%; sản xuất thiết bị điện giảm 14,3%. (7) Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 5,3% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 6%. (8) Vĩnh Long giảm 4,5% do sản xuất đồ uống giảm 12,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 18,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 14,1%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng: (1) Ninh Thuận tăng 32,6% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 58,5%; dệt tăng 6%. (2) Đắk Lắk tăng 25% do sản xuất giường, tủ, bàn ghế gấp 2,3 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 76,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 60,1%. (3) Hải Phòng tăng 19,7% do sản xuất trang phục tăng 54,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,5%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 21,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5%. (4) Nghệ An tăng 18,3% do sản xuất trang phục tăng 43,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 55,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 22%. (5) Gia Lai tăng 17,4% do sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 30%; sản xuất xe có động cơ tăng 26%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 2,3%. (6) Hà Tĩnh tăng 16,6% do sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,7%. (7) Thanh Hóa tăng 15,3% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 37,7%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 22,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,6%; sản xuất trang phục tăng 15,1%. (8) Quảng Ngãi tăng 14,9% do sản xuất kim loại tăng 86,1%; dệt tăng 45,2% (bổ sung Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất, Xưởng vải Công ty TNHH Xindadong Textiles có cùng thời gian hoàn thành là tháng 8/2021, năng lực thiết kế tương ứng là 4.800 tấn/năm và 70 triệu m2/năm); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 22,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 17,1%. (9) Hà Nam tăng 14,4% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 16,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 17,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,8%. (10) Bình Phước tăng 14% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,2%; sản xuất trang phục tăng 6,9%; dệt tăng 5,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 9 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 43,6%; thép cán tăng 43,3%; ô tô tăng 18,6%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 15,7%; sắt, thép thô tăng 12,4%; sữa bột tăng 10,3%; giày, dép da tăng 9,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi các loại giảm 35,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 17,6%; thủy hải sản chế biến giảm 8,8%; bia các loại giảm 8,7%; đường kính giảm 8,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 7,2%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2021 tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%).

Đến cuối tháng 9 năm 2021, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã dần đi vào kiểm soát. Đây là dấu hiệu tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất đẩy nhanh khôi phục hoạt động trước khi diễn biến trở nên tệ hơn và ngành sản xuất khó có thể cầm cự. Song, ngay cả khi tình hình đã được kiểm soát thì không có gì đảm bảo cho những bất ổn có thể tái diễn trong tương lai. Do đó, từ chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cho đến doanh nghiệp đều cần phải có những kế hoạch cụ thể và phù hợp để thích ứng hơn nữa với tình hình COVID-19 kéo dài, hay nói cách khác đó là một bối cảnh “bình thường mới”, để doanh nghiệp sản xuất, ngành sản xuất cũng như cả nền kinh tế có thể vững vàng hơn ngay cả trong tình hình dịch bệnh.

4. Khôi phục sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới”

4.1. Cần bao lâu để phục hồi?

\"\"

Nguồn: OliverWyman.com, 2020

Như đã phân tích ở trên, đại dịch COVID-19 với các đợt dịch liên tiếp đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất nói riêng. Cuộc khủng hoảng này không khỏi khiến nhiều nhà nghiên cứu liên hệ đến các cuộc khủng hoảng trước đó, điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 trong việc dự báo thời gian phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng. Theo Daniel Kronenwett, chuyên gia của Oliver Wyman – một công ty tư vấn quản trị quốc tế hàng đầu, hậu quả của cuộc khủng hoảng lần này được đánh giá là nghiêm trọng không kém cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thậm chí có thể tồi tệ hơn. Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính trước đây khiến các doanh nghiệp sản xuất mất đến 3 năm để trở lại mức trước khủng hoảng (Hình 8) thì lần này thời gian đó có thể còn dài hơn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, thực tế trước đại dịch hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đã chịu nhiều tác động và có phần bị đình trệ, nên có lẽ các doanh nghiệp không cần phải gồng mình để trở lại mức trước khủng hoảng nhiều như cuộc khủng hoàng tài chính trước đó. Bên cạnh đó, như đã phân tích ở mục 2 và 3, tác động của COVID-19 lên mỗi ngành sản xuất là không giống nhau, do đó thời gian cần thiết để các doanh nghiệp phục hồi sẽ càng có nhiều chênh lệch. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 với nhiều bất ổn giữa các đợt cách nhau sẽ khiến cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp cần phải liên tục thích ứng và khi đó, quá trình phục hồi sản xuất sẽ theo hướng lên xuống nhiều hơn là một đường cong ổn định. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lên các kế hoạch lâu dài trong bối cảnh đầy bất ổn của đại dịch chứ không thể chỉ thực hiện các giải pháp ngắn hạn đối phó với diễn biến dịch bệnh và chờ đến khi tình hình được kiểm soát. Điều này cũng được Ngân hàng thế giới (2021) khuyến nghị trong báo cáo gần đây nhất của mình về tình hình kinh tế Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Xem xét lại các giả định về tiến trình cuộc khủng hoảng, vạch ra một só kịch bản và xem xét lại cấu trúc doanh nghiệp sẽ là bước đầu giúp doanh nghiệp tránh tổn hại nặng nề có thể xảy ra.

4.2. Doanh nghiệp cần làm gì?

Đến năm thứ hai của đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất đã đặt ra các kế hoạch khôi phục sản xuất sau khi kiểm soát được tình hình với nhiều biện pháp được thực hiện. Tuy nhiên, những làn sóng virus Corona liên tiếp xảy ra và các bằng chứng cho thấy phản ứng của các doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự hiệu quả (Taleb, et al., 2020). Trong tương lai gần, đại dịch vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho tình hình COVID-19 sẽ kéo dài, trở thành một bối cảnh “bình thường mới”. Do đó, kế hoạch phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất không chỉ tập trung vào việc phục hồi sản xuất trở lại mức trước đại dịch mà còn cần phải chú trọng nâng cao khả năng thích ứng, sự bền bỉ của doanh nghiệp. Trước bối cảnh đó, Okorie và cộng sự (2020) đã đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

  • Sắp xếp lại bộ công cụ sản xuất tinh gọn, thích hợp với những biến đổi trong cung cầu.
  • Xây dựng tổ chức linh hoạt: Có thể bao gồm một số biện pháp như cho phép một số bộ phận làm việc tại nhà, tái thiết kế văn phòng, cơ sở sản xuất phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội, tiếp cận kỹ thuật công nghệ phù hợp với nhu cầu làm việc từ xa, mở rộng danh mục nhà cung ứng, có thể tìm đến các nhà cung ứng trong nước.
  • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ/ chuyển đổi số: Ứng dụng công nghệ trong sản xuất ngày càng trở nên phổ biến khi các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi từ mô hình chi phí thấp sang mô hình tập trung vào giá trị. Nghiên cứu của Okorie và cộng sự (2020) cũng chỉ ra cấp độ chuyển đổi số của doanh nghiệp càng cao thì khả năng thích ứng và phục hồi của doanh nghiệp càng lớn.
  • Rút ngắn thời gian ra quyết định: Trước tình hình dịch bệnh liên tục chuyển biến, khả năng ra quyết định nhanh và chính xác của doanh nghiệp cũng góp phần giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống thông tin cần thiết và phù hợp, cùng với khả năng phân tích nhanh cũng như một quy trình/ văn hoá ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả.
  • Phân bổ nguồn lực hiệu quả cho việc tái định vị: Đây được xem như một khoản đầu tư dài hạn vào các thị trường mới có tiềm năng đem lại lợi ích lâu dài.
  • Đánh giá dựa trên thang đo và điểm chuẩn: Trước sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, một số phản ứng phổ biến của doanh nghiệp sản xuất là thay đổi hoạt động sản xuất hoặc thay đổi dòng sản phẩm. Để thực hiện những thay đổi đó thì doanh nghiệp phải trải qua một quá trình rà soát, xem xét nghiêm ngặt. Do đó, các thang đo và điểm chuẩn cần được xây dựng một cách hiệu quả và phù hợp, có thể tham khảo các ngành sản xuất khác.

Tóm lại, các phân tích đã chỉ ra COVID-19 có tác động khác nhau tới mỗi nền kinh tế, quốc gia lãnh thổ cũng như mỗi ngành sản xuất. Sự không đồng đều này sẽ còn có thể nghiêm trọng hơn khi dịch bệnh sẽ kéo dài trong tương lai gần, gia tăng khó khăn trong phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Nghiên cứu đã chỉ ra một số hướng doanh nghiệp sản xuất có thể tập trung trong quá trình xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bối cảnh “bình thường mới” cũng như tình hình của bản thân doanh nghiệp. Xây dựng một môi trường sản xuất linh hoạt và bền bỉ sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trước những biến chuyển khó lường của đại dịch.

Tài liệu tham khảo

  1. Baldwin, R. & Freeman, R., 2020. Supply Chain Contagion Waves: Thinking Ahead on Manufacturing Contagion and Reinfection from the COVID Concussion. [Online] Available at: voxeu.org [Accessed 29 09 2021].
  2. Hayakawa, K. & Mukunoki, H., 2021. Impacts of COVID-19 on International Trade: Evidence from the First Shock. Journal of the Japanese and International Economies, Volume 60, pp. 101-135.
  3. IHS Markit Vietnam Manufacturing PMI, 2021. COVID-19 outbreak leads to sharp fall in manufacturing output. [Online] Available at: https://www.markiteconomics.com/ [Accessed 29 09 2021].
  4. Kronenwett, D., 2020. Manufacturing Industries and COVID-19. [Online] Available at: https://www.oliverwyman.com/our-expertise/insights/2020/jun/manufacturing-industries-and-covid-19.html [Accessed 29 09 2021].
  5. Okorie, O. et al., 2020. Manufacturing in the time of COVID-19: An assessment of barriers and enablers. IEEE Engineering Management Review, September.48(3).
  6. Taleb, N. N., Norman, J. & Bar-Yam, Y., 2020. Systemic risk of pandemic via novel pathogens – Coronavirus: A note. [Online]  Available at: http://arxiv.org/abs/1410.5787 [Accessed 30 09 2021].
  7. Tổng cục thống kê, 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2021. [Online] Available at: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/09/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-thang-9-nam-2021/ [Accessed 30 09 2021].
  8. Tổng cục thống kê, 2021. Tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. [Online] Available at: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/ [Accessed 30 09 2021].
  9. UNCTAD, 2021. World Investment Report 2021, New York, USA: United Nations Publications.
  10. UNIDO, 2021. World Manufacturing Production – Statistics for Quarter II 2021.
  11. World Bank, 2021. Long Covid.
  12. WTO, 2021. World Trade Statistical Review 2021.

Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp – Trường Đại học Ngoại thương

Địa chỉ: 91 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Email: fbsp@ftu.edu.vn

Hotline: 0909 111 485 (nhánh 04)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top