Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 thay thế Luật Đầu tư 2014. Luật Đầu tư 2020 bao gồm những quy định mới như:
- Dịch vụ đòi nợ thuế được xếp vào nhóm ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (xem chi tiết tại Điều 6).
- 22 ngành, nghề được bãi bỏ khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như:
– Nhượng quyền thương mại;
– Kinh doanh dịch vụ logistic;
– Kinh doanh dịch vụ tiêm chủng…
Chi tiết Danh mục 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xem tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.
- Bổ sung một số ngành, nghề vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như:
– Kinh doanh dịch vụ kiến trúc;
– Kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt);
– Đăng kiểm tàu cá…
Chi tiết Danh mục 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xem tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.
- Bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư (tại khoản 2 Điều 15). Theo Luật Đầu tư 2020, các đối tượng như sau được hưởng ưu đãi đầu tư:
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
– Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bổ sung thêm một số ngành, nghề được ưu đãi đầu tư như:
– Giáo dục đại học;
– Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
– Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
– Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
– Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Chi tiết Danh mục ngành, nghề được ưu đãi đầu tư xem tại Điều 16 Luật Đầu tư 2020.
- Bổ sung đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư 2020:
– Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Bổ sung các đối tượng không phải thực hiện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (xem chi tiết tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020):
– Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
– Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
- Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
– Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
– Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29.
Nội dung chi tiết xem tại Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2020.
Nội dung chi tiết Luât Đầu tư 2020 xem tại: https://luatvietnam.vn/dau-tu/luat-dau-tu-2020-186270-d1.html
Thông tin tham khảo xem tại:
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/diem-moi-cua-luat-dau-tu-sua-doi-230-25529-article.html