Xúc tiến thương mại trực tuyến đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường, là chìa khóa vàng để hàng Việt vươn ra toàn cầu trong bối cảnh đại dịch. Với hiệu quả mang lại, hoạt động này sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho xúc tiến thương mại trực tiếp của doanh nghiệp (DN).
Bà Nguyễn Việt Hồng – Phụ trách Ban Kinh tế Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bà có đánh giá gì về tác động của dịch bệnh đối với hoạt động kinh doanh, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại của DN nhỏ và vừa?
Quả thực, sự bùng phát của dịch Covid-19 thêm một lần nữa khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Đơn cử như Công ty H&J Craftlink Co., Ltd của cá nhân tôi chủ yếu xuất khẩu nên bị ảnh hưởng khá nặng nề. Từ tháng 3/2020 đến nay, đơn hàng giảm 80% so với cùng kỳ năm 2018-2019. Mặc dù chúng tôi mở thêm kênh bán lẻ trong nước và quốc tế nhưng cũng không cải thiện do bị cạnh tranh nhiều hàng hóa từ Trung Quốc và phân khúc hàng giá rẻ, bình dân.
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), các DN xuất khẩu là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong đó có H&J Craftlink Co., Ltd trước đây thực hiện chủ yếu chủ yếu qua kênh offline (trực tiếp) như tham gia các hội chợ, sự kiện giao thương tổ chức trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các sự kiện này đã không thể tổ chức, khiến cho nhà cung cấp và nhà nhập khẩu không thể giao thương, tìm hiểu sản phẩm mới, kiểm định chất lượng trực tiếp. Vì vậy, hiện khách hàng của các DN chủ yếu là khách cũ, mua số lượng nhỏ để duy trì hoạt động kinh doanh chứ không thể mở rộng quy mô do nhiều quốc gia vẫn duy trì giãn cách xã hội.
Kênh giao thương, XTTM truyền thống bị đóng băng nên các hoạt động XTTM cũng chỉ tổ chức và đẩy mạnh ở hình thức trực tuyến (online) qua hệ thống kết nối Internet. Cho đến nay, mô hình XTTM trực tuyến đang phát huy hiệu quả rất lớn trong đại dịch, và thực thế cũng chứng minh, các DN thành công trong hoạt động XTTM là những DN nắm bắt nhanh sự thay đổi của thị trường xuất khẩu đó là sớm chuyển từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang tham gia hội chợ online, giao lưu trực tuyến với khách hàng, gặp mặt B2B online với những mẫu mã hình ảnh sản phẩm bắt mắt, trung thực, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, việc triển khai XTTM trực tuyến của DN vẫn còn nhiều hạn chế, do còn nhiều rào cản về công nghệ, chuyển đổi số. Mặt khác, khi tham gia giới thiệu sản phẩm chung trên sàn thương mại điện tử thì hiệu quả là chưa như kỳ vọng. Bởi, việc giới thiệu sản phẩm từ đơn vị dịch vụ là không thể hiệu quả bằng chính đơn vị cung cấp, xuất khẩu trực tiếp theo mô hình triễn làm truyền thống trước kia. Đồng thời, đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách về XTTM cũng khó thể đảm đương hết toàn bộ các công việc đòi hỏi chuyên môn như công nghệ số, marketing, truyền thông…
Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, song kênh XTTM trực tuyến sẽ vẫn là giải pháp tối ưu trong bối cảnh khó khăn do đại dịch hiện nay. Vậy, các DN nhỏ và vừa đã nhập cuộc như thế nào thời gian qua, thưa bà?
Nhiều DN, trong đó có H&J Craftlink Co., Ltd đã tính toán và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với nguồn lực hiện tại. Trong đó, DN chủ yếu tập trung chủ động chi trả kinh phí duy trì một vài tài khoản B2B trên kênh thương mại điện tử trực tuyến uy tín, bán lẻ và xuất khẩu để trải nghiệm. Đồng thời xây dựng hình ảnh DN trên các mạng xã hội như Pinterest, Instagram, Facebook, Tiktok; tăng cường việc đưa hình ảnh DN, sản phẩm lên trang website do công ty sở hữu. Mặt khác, tích cực thay đổi cách tiếp cận khách hàng qua email, gửi e-catalogue, mở rộng thêm hình thức chào hàng, chấp nhận các đơn hàng nhỏ, chấp nhận gia công những sản phẩm khó, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt…
Ngoài sự chủ động của DN, thì sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý về XTTM trực tuyến đã mang lại hiệu quả và tin cậy như thế nào với DN?
Không phải từ khi dịch Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn hoạt động kinh doanh, mà trước đó các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Công Thương đã quyết liệt và triển khai nhiều chương trình XTTM mang lại hiệu quả rất lớn cho DN. Đặc biệt là chương trình XTTM quốc gia đã góp phần hỗ trợ tích cực cho các DN nhỏ và vừa – những doanh nghiệp dễ bị tổn thương khi có biến động thị trường, nhưng lại là khối DN sử dụng nhiều lao động nhất do chiếm 96-98%.
Thành công có được trước tiên phải nói tới vai trò của đơn vị chủ trì đã lắng nghe nhu cầu của DN để xây dựng chương trình; đề xuất những hoạt động XTTM theo nhu cầu, xu hướng thị trường. Cơ quản lý nhà nước về XTTM, Cục XTTM của Bộ Công Thương là đơn vị rất nhạy bén tư vấn cho cơ quan cấp trên, cũng như các đơn vị chủ trì chính sách, cơ chế và kết hợp rất chặt chẽ với các bên khi tổ chức một sự kiện mới, đầu tư cho các hoạt động mới có tính khả thi cao, có kết luận, đánh giá rõ ràng các hoạt động XTTM.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, trên cơ sở nền tảng về XTTM, nhiều chương trình XTTM trực tuyến được tổ chức đã tạo ra những cơ hội vàng để DN tiếp cận thị trường ngay tại sân nhà với nhiều lợi ích như được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí so với trước đây và đặc biệt là không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu.
Cho đến nay, cộng đồng DN đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ XTTM trực tuyến của Bộ Công Thương và đều mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình hữu ích, thiết thực với từng ngành hàng cụ thể để DN thoát khởi tình trạng đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng; mở rộng thêm nhiều mối quan hệ với các đối tác, tiếp cận sâu với nhiều thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết FTA.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với DN khi triển khai hoạt động XTTM trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiệp hội có những đề xuất tháo gỡ về vấn đề nào, thưa bà?
Như chúng ta đều biết, vấn đề muôn thuở với DN nhỏ và vừa vẫn là vốn, dòng vốn. Hầu hết các DN đang khá vất vả khi tìm nguồn vốn vay từ phía ngân hàng do quy mô nhỏ và biến cố Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của DN không có lãi. Nguồn lực tài chính hạn chế chính là rào cản lớn nhất để DN triển khai các hoạt động XTTM, nên rất cần sự hỗ trợ mới từ Chính phủ thông qua những cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng; hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ só.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động XTTM trực tuyến, tiếp cận thị trường, đưa hàng Việt vươn xa, các chúng tôi cần cơ quan quản lý cho phép các đơn vị chủ trì tăng số lượng tài khoản B2B trên kênh thương mại điện tử uy tín quốc tế, không chỉ dừng ở con số dưới 20 DN được hỗ trợ kinh phí; có chính sách hỗ trợ dài hạn cho một tài khoản xuất khẩu B2B trên kênh thương mại điện tử hoạt động tốt ít nhất 3-5 năm. Mặt khác, cần tập trung nguồn lực cho các hoạt động XTTM chuyên sâu, có tính trung và dài hạn, thực hiện các hình thức XTTM mới thông qua môi trường kỹ thuật số để DN có chiến lược triển khai phù hợp.
Nguồn: Báo Công Thương