697f040f 662c 4290 9f5c bc3ef6877dc1

Tài chính xanh là chìa khóa cho các doanh nghiệp về nguồn vốn và cuộc đua giành vốn xanh đang diễn ra vô cùng khốc liệt, đòi hỏi Việt Nam sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý để tận dụng cơ hội vàng hút ‘vốn xanh’.

Các chuyên gia đã nhận định như trên tại diễn đàn Tài chính xanh năm 2024 với chủ đề “Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 22-7.

Bức tranh dư nợ tài chính xanh tại Việt Nam và toàn cầu

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho biết tính đến 31-3-2024, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 637.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Đối với thị trường trái phiếu xanh, ông Lực cho hay giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với giá trị 284 triệu USD.

Song giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh.

Đối với thị trường thế giới, ông Lực cho biết tổng dư nợ thị trường toàn cầu ước đạt 4,16 ngàn tỉ USD, tổng giá trị trái phiếu bền vững phát hành năm 2023 đạt 939 tỉ USD.

Theo ông Lực, đây là dư địa lớn để doanh nghiệp Việt tiếp cận với dòng vốn xanh hàng tỉ USD.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để thu hút tài chính xanh

Nhận định về cơ hội cho tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lực cho hay tài chính xanh là xu hướng tất yếu và hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh đang dần được hoàn thiện.

Trong khi đó, định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh và các cam kết của COP26 đòi hỏi Việt Nam cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi năng lượng, giảm phát carbon, quản lý chất thải…

Để thu hút tài chính xanh, ông Lực cho rằng cần sớm xây dựng, hoàn thiện các hành lang pháp lý. Các tổ chức tín dụng cần xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh, có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau.

Ông Vũ Chí Dũng, vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho rằng thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh.

Đồng thời, các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập.

Ông Dũng chỉ ra các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam là phải hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường vốn xanh, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Theo Báo Tuổi trẻ

Scroll to Top