Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đề xuất thành lập một quỹ toàn cầu mới để hỗ trợ các bên liên quan trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, đặc biệt là nông dân.
Hôm 13-6, UNIDO và ICO công bố báo cáo chung 72 trang, có tựa đề Tính bền vững và khả năng chống chịu của chuỗi giá trị cà phê toàn cầu: Hướng tới phương tiện đầu tư toàn cầu.
Báo cáo cho biết, nhu cầu cà phê toàn cầu ngày càng tăng và thế giới hiện tiêu thụ khoảng 3 tỉ tách cà phê mỗi ngày. Nhu cầu cà phê toàn cầu trong 2 thập niên tới được dự báo tăng trưởng khoảng 2-2,5% mỗi năm.
Thách thức lớn hiện nay là nguồn cung cà phê rất phân mảnh và chủ yếu phụ thuộc vào các nông dân nhỏ lẻ. Có khoảng 25 triệu hộ nông dân trồng cà phê trên thế giới và cà phê là nguồn thu nhập chính của 12,5 triệu hộ nông dân trong số này. Hơn 80% nông dân trồng cà phê sở hữu các trang trại nhỏ và ít nhất 5,5 triệu nông dân trồng cà phê sống dưới mức nghèo khổ.
Cà phê thường được trồng ở vùng đồi núi khiến việc cơ giới hóa hoạt động sản thường không khả thi hoặc quá tốn kém. Ngoài ra, nhiều nông dân trồng cà phê thiếu tiếp cận tín dụng, bảo hiểm và kiến thức chuyên môn. Nông dân cũng thường không có các mối quan hệ thương mại hoặc hợp đồng dài hạn để giúp đưa ra các kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.
Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đe dọa làm giảm một nửa sản lượng cà phê toàn cầu vào năm 2050. Trích dẫn những thách thức dai dẳng về tính bền vững như biến đổi khí hậu, biến động giá cả và thu nhập không đủ sống của nông dân trồng cà phê, báo cáo trình bày khái niệm về “cơ chế tài trợ toàn cầu”.
Cơ chế này có sự tham gia của ngành công nghiệp cà phê, tổ chức tài chính, nhà đầu tư tác động, khu vực công và các bên liên quan khác. Báo cáo cho rằng, để thúc đẩy tính bền vững trong ngành cà phê đòi hỏi sự sẵn có và khả năng tiếp cận tài chính ngày càng tăng thông qua các cơ chế tài trợ dành riêng cho cà phê.
Việc thành lập một quỹ cà phê toàn cầu với mục đích cho vay ưu đãi và đầu tư là điều hợp lý trên khía cạnh kinh tế vi mô lẫn vĩ mô. Báo cáo đề xuất quỹ này nên được thành lập dựa trên nguồn vốn huy động kết hợp từ các công ty cà phê tư nhân lớn nhất và các nhà đầu tư tổ chức, tư nhân cũng như khu vực công. Quỹ này cần nhận được các cam kết tài chính quan trọng từ các công ty lớn trong ngành cà phê.
Quỹ dự kiến huy động vốn qua nhiều giai đoạn và cuối cùng sẽ hoạt động giống như một công ty cổ phần đầu tư có tổng vốn 500 triệu đô la Mỹ. Quỹ sẽ tập trung cho vay trực tiếp đối với các hợp tác xã cà phê và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính bằng cách tăng cường tín dụng cho các hộ sản xuất cà phê nhỏ lẻ thông qua các tổ chức tài chính địa phương.
Báo cáo của UNIDO và ICO cho rằng, chỉ có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các chính phủ, các bên liên quan trong khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự mới có thể tập hợp các nguồn lực, nâng cao hợp tác và tận dụng chuyên môn để hỗ trợ các dự án chuyển đổi trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Bằng cách cung cấp các ưu đãi tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, quỹ cà phê toàn cầu sẽ cho phép thực hiện các giải pháp bền vững, tuần hoàn và tái tạo giúp nâng cao khả năng tồn tại lâu dài của ngành cà phê.
Theo Global Coffee Report, icocoffee.org