Tại buổi Hội thảo: \”Hậu covid: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam\” do Viện iEIT, trường Đại học Ngoại Thương tổ chức vào ngày 25/06/2021 có:
– 250 người từ 150 DN đăng ký, 15 lĩnh vực hoạt động khác nhau.
– 110 doanh nghiệp, 150 người đã trực tiếp tham gia Webinar về Sự chuẩn bị của DN VN giai đoạn cuối 2021-2022.
– 3,5 giờ làm việc liên tục, không giải lao, hội thảo đã nghe 5 phát biểu rất chất lượng và tâm huyết, với nhiều số liệu, phân tích và gởi mở ý tưởng mới.
– Các diễn giả gồm cô Thúy Vinh từ FTU, anh Duy Vũ từ Google, chị Lan Phương từ VCCI, thầy Chí Anh từ ĐHKT-ĐHQGHN, anh Xuân Vinh từ Hyperlogy.
– Xin cám ơn đại diện DN đã kiên trì, bền bỉ tham dự đến phút cuối. Đặc biệt cám ơn bác Đoàn Thăng – TGĐ Rạng Đông đã phát biểu động viên, đồng thời nêu sáng kiến DN tài trợ để BTC có thể duy trì và đảm bảo chất lượng các hội thảo chuyên đề – việc này làm chúng tôi bất ngờ và cảm kích. Chúng tôi sẽ suy nghĩ thật nghiêm túc về đề xuất của Bác.
– Video, tài liệu của webinar như thường lệ sẽ được BTC gửi đến người tham dự và đăng tải trên các fanpage và kênh Youtube của Viện iEIT.
– Rất nhiều thông tin bổ ích từ hội thảo lần này, tạm thời xin đúc kết 5 cơ hội và 2 thách thức chính đối với DN VN trong thời gian tới:
05 CƠ HỘI:
1- Cơ hội xuất khẩu và hội nhập thông qua 17 xa lộ FTA liên thông với hầu hết các thị trường lớn của thế giới vì xu hướng đa phương đã quay trở lại.
2- Cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới đã và đang định hình và có thể trở thành mắt xích trung tâm của chuỗi cung ứng này – nếu đủ bản lĩnh và nguồn lực, vì người ta không muốn chuỗi cung ứng đứt gãy và lệ thuộc qúa lớn vào một quốc gia.
3- Cơ hội phát triển ngành chế biến – chế tạo – hiện thực hóa khát vọng make in Vietnam, vì cô lập trong đại dịch, tiền nhiều cũng không để làm gì mà quan trọng là anh làm ra được cái gì?
4- Cơ hội thu hút FDI hay hợp tác chất lượng với các DN nghiệp hàng đầu, vì các nước lớn và các nhà đầu tư đang tìm kiếm đối trọng với Trung Quốc và Ấn Độ.
5- Cơ hội phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp CNC và những gì liên quan, vì trong đại dịch an toàn lương thực là quan trọng nhất.
02 THÁCH THỨC:
1- Nếu chậm chân trong phát triển kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là TMĐT và các hình thức kinh doanh mới – doanh nghiệp có thể đứng bên bờ vực phá sản. Và số lượng này hiện nay không hề ít tại VN, đang ước tính có không dưới 400 DN phá sản / ngày.
2- Nêu chậm chân trong CĐS, doanh nghiệp sẽ tụt hậu trong thế giới số, kinh tế số, để mất khách hàng là mất tất cả.
03 LỜI KHUYÊN:
– Chuẩn bị tinh thần sống chung với COVID 19 dài dài ít nhất là đến t6/2022.
– Linh hoạt và thích ứng – bây giờ là thước đo năng lực cạnh tranh của DN trước tình hình mới. Thích ứng nhanh trở thành mệnh lệnh sống còn của Bình thường mới.
– Muốn thích ứng tốt – hãy tập trung vào thứ mình làm giỏi nhất, giữ cho được khách hàng, giữ thị trường, giữ nhân viên và quan trọng hơn cả là giữ cho được chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Quý độc giả có thể xem bản record hội thảo tại đây và có thể theo dõi trang Cổng thông tin hỗ trợ Doanh nghiệp FTU để nhận file silde của các diễn giả.