Các tàu hàng lớn ghé các cảng châu Âu sẽ đối mặt hóa đơn phát thải carbon tổng cộng 3,6 tỉ đô la Mỹ vào năm tới và con số chắc chắn sẽ tăng lên khi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo quy định của EU, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, các tàu hàng lớn ra vào các cảng của EU phải trả phí cho lượng phát thải carbon của chúng để tuân thủ Hệ thống Thương mại phát thải (ETS). Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển mọi thứ, từ hàng thành phẩm đóng trong container đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến và đi từ các cảng của EU.
Hãng tư vấn Drewry Shipping Consultants ước tính, tổng chi phí của ngành vận tải biển để tuân thủ ETS của EU trong năm sau khoảng 3,6 tỉ đô la. Ngành vận tải biển toàn cầu đã thải hơn một tỉ tấn khí CO2 vào khí quyển vào năm 2018 và hầu như chỉ vận hành bằng bằng nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu, rẻ hơn đáng kể so với các lựa chọn thay thế carbon thấp.
Quyết định đưa ngành vận tải biển vào ETS là một phần trong kế hoạch của EU nhằm khử carbon trong lĩnh vực này để chống biến đổi khí hậu.
Mặc dù lên tới hàng tỉ đô la, chi phí trên chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu hàng năm từ hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và dường như sẽ không gây tác động đáng kể đến mức giá mà người tiêu dùng cuối phải trả cho hàng hóa. Năm ngoái, chỉ riêng Maersk (Đan Mạch), hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, đã thu về lợi nhuận gần 30 tỉ đô la.
Sang năm 2024, một tàu container hoạt động giữa châu Âu và châu Á có thể phải chịu khoản phí phát thải carbon khoảng 810.000 euro, với giả định giá mỗi tín chỉ phát thải carbon là 90 euro/tấn, theo ước tính gần đây của tổ chức đăng kiểm hàng hải DNV.
Con số đó chỉ bằng khoảng 10% hóa đơn nhiên liệu hàng năm của cùng một con tàu container. Điều này có nghĩa là chỉ riêng sự dao động mạnh của giá dầu cũng có thể khiến phí nhiên liệu tăng thêm của một con tàu vượt toàn bộ chi phí tuân thủ ETS.
Tương tự, các đợt tăng bùng nổ về cước phí vận chuyển hàng hóa trong container giữa châu Âu và châu Á trong những năm gần đây cũng lấn át chi phí thuân thủ ETS.
Theo Stijn Rubens, nhà tư vấn cấp cao của Drewry, do mức phí phát thải mà EU áp với tàu biển còn thấp, các lựa chọn thay thế sạch như nhiên liệu methanol xanh khó có thể cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.
“Ngay cả khi chi phí nhiên liệu xanh giảm một nửa trong ba năm tới, thì vẫn cần phải đánh thuế carbon nhiều hơn để tạo ra một sân chơi bình đẳng. Đối với ngành vận tải biển, methanol xanh có thể vẫn bất lợi đáng kể về mặt chi phí cho đến ít nhất là năm 2026”, Rubens nói.
Dù phát thải của ETS chiếm một phần nhỏ chi phí vận chuyển hàng hóa đến châu Âu, nhưng vẫn có lo ngại về việc các thương nhân và công ty có thể khai thác lỗ hổng để tránh phải trả phí.
Tháng trước, 6 nước thành viên EU, chủ yếu nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, cho rằng các chủ hàng có thể trốn phí ETS bằng cách ghé vào các cảng bên ngoài EU nhưng vẫn nằm gần khu vực này. EU xác định cảng East Port Said của Ai Cập và cảng Tanger Med của Maroc nên được xác định là “các cảng trung chuyển container lân cận” để ngăn chặn hành vi tránh trả phí phát thải.
Một cách để né phí khí thải là sử dụng dịch vụ chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác, theo đó, hàng hóa được chuyển giữa các tàu trên biển.
Ví dụ, nếu một tàu chở dầu đi từ Singapore di chuyến đến ngay bên ngoài khu vực của một cảng của EU, rồi chuyển dầu sang tàu khác, và sau đó quay trở lại Singapore. Theo DNV, trong trường hợp đó, tàu dầu sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí ETS nào, vì tàu chưa thực sự ghé cảng ở EU.
“Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giám sát chặt chẽ khả năng chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trong bối cảnh sắp áp dụng ETS cho lĩnh vực hàng hải. Khi thích hợp, EC sẵn sàng đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết mọi hành vi trốn phí phát thải, nhằm duy trì tính toàn vẹn và hiệu quả của ETS”, người phát ngôn của EC nói.
Trong năm đầu tiên, chi phí tuân thủ ETS, áp dụng cho các cảng ở Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cũng như EU, có thể tương đối nhỏ đối với một ngành lớn như vận tải biển. Nhưng chi phí này gần như chắc chắn sẽ tốn kém hơn trong những năm sau đó. Theo quy định, các chủ hàng vận tải bằng đường biển đến các cảng của EU chỉ phải trả phí cho 40% lượng khí thải carbon trong năm 2024 nhưng tỷ lệ khí thải bị tính phí sẽ tăng lên 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2026. Và trong năm 2026, các chủ hàng cũng phải đóng phí phát thải khí methane (CH4) và khí nitrous oxide (N2O).
Theo Drewry, dựa trên lượng khí thải thực tế của các hãng tàu trong 2022 và mức giá tín chỉ phát thải là 100 euro mỗi tấn CO2, chi phí để ngành vận tải biển tuân thủ ETS của EU trong 2026 sẽ tăng lên con số 9 tỉ đô la.
Theo Alain Savary, người sáng lập Công ty tư vấn Carbonex, với chỉ 40% khí thải của tàu hàng bị nhắm đến trong năm 2024, phí ETS “có thể không đủ cao để thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh”. Tuy nhiên, ông cho rằng, điều này có thể thay đổi trong những năm tới khi lượng khí thải bị tính phí tăng lên.
Theo Bloomberg, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn