Anh man hinh 2023 07 05 luc 17.24.57

(KTSG Online) – Tăng trưởng của châu Á sẽ nhanh hơn Mỹ và châu Âu vào cuối năm nhờ khi khu vực này kiểm soát tốt lạm phát và không bị tác động từ cú sốc lãi suất như ở các nền kinh tế phương Tây, theo nhận định của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.

“Đến quí 4, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của châu Á sẽ nhanh hơn Mỹ và châu Âu khoảng 450 điểm cơ bản (4,5 điểm phần trăm)”, Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng châu Á của Morgan Stanley nói trong một thảo luận trực tuyến hôm 13-6.

Ông cho biết châu Á dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng lành mạnh hơn trong khi phương Tây tụt lại phía sau, nhờ sự phục hồi trên diện rộng của Trung Quốc có thể diễn ra vào nửa cuối năm nay, trong khi ba nền kinh tế lớn khác của châu Á, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ.

Ông nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ và châu Âu bị kìm hãm vì họ gặp phải vấn đề lạm phát nghiêm trọng. Ông nói thêm, các ngân hàng trung ương ở những thị trường đó đang phải tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát.

“Châu Á không gặp phải cú sốc lãi suất như Mỹ và châu Âu”, Ahya  nói đồng thời cho biết thêm lạm phát của châu Á hiện chỉ bằng một nửa so với các mức lạm phát ở Mỹ và châu Âu.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm lại 4% trong tháng 5, mức thấp nhất trong hai năm, sau khi đạt đỉnh 9,1% hồi tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mức mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại cuộc họp chính sách trong tuần này, Fed tạm dừng tăng lãi suất nhưng báo hiệu có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa trong những tháng tới nếu lạm phát không hạ nhiệt một cách thuyết phục. Fed đã tăng lãi suất 10 đợt liên tiếp chỉ trong vòng hơn một năm, đánh dấu chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 1980.

Tốc độ tăng lạm phát ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2-2022. Ngân hàng châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chuẩn từ – 0,5% vào một năm trước, lên 3,25% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11-2008.

“Vấn đề lạm phát của châu Á không nghiêm trọng bằng. Và chúng tôi nghĩ rằng lạm phát của khu vực này đã lên đến đỉnh điểm. Vào thời điểm tháng 9 hoặc tháng 10, 80% các quốc gia châu Á sẽ chứng kiến lạm phát quay trở lại vùng an toàn của các ngân hàng trung ương”, Ahya dự báo.

Một số ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu giảm lãi suất bao gồm Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore.

Một động lực khác cho tăng trưởng của châu Á là sự phục hồi dự kiến của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.

“Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ mở rộng trong nửa cuối năm nay”, Ahya nói.

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ đạt 5,7% trong năm 2023, cải thiện nhiều so với mức 3% của năm ngoái.

Ahya nói: “Chúng tôi cho rằng sự phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc đang đi đúng hướng. Điều đó chắc chắn cũng sẽ mang lại tác động lan tỏa tích cực đến các nền kinh tế khác trong khu vực”.

Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 0,2% so với một năm trước, trong khi chỉ số giá nhà sản xuất giảm 4,6%, mức giảm mạnh nhất trong 7 năm.

Ahya dự báo trong khoảng 3 tháng tới, các thị trường ở Trung Quốc sẽ chứng kiến chi tiêu phục hồi mạnh mẽ.

Morgan Stanley kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố nhiều biện pháp kích thích hơn dưới hình thức nới lỏng các giao dịch mua nhà, cũng như cung cấp chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá khoảng một nghìn tỉ đô la.

Hôm 15-6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản đối với 273 tỉ nhân dân tệ (33 tỉ đô la Mỹ) cho vay  trung hạn một năm dành cho một số ngân hàng.

Dữ liệu kinh tế mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 5 đều kém kỳ vọng.

Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,6% trong tháng 4 và cũng kém hơn so với mức dự báo 3,6% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ,  thước đo chính về niềm tin của người tiêu dùng, tăng 12,7%, thấp hơn dự báo tăng trưởng 13,6% và chậm lại so với mức 18,4% của tháng 4.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế của Capital Economics, cho rằng Bắc Kinh đang đứng trước áp lực tung ra các chính sách hỗ trợ để ngăn nền kinh tế suy yếu hơn nữa.

Theo Ahya, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, những nơi đang có chu kỳ phục hồi nhu cầu nội địa riêng, cũng sẽ hỗ trợ tốc độ tăng trưởng chung của toàn khu vực châu Á.

“Ấn Độ đã thực hiện cải cách cấu trúc kinh tế trong 5 năm qua. Điều đó đang thúc đẩy đầu tư tư nhân cao hơn”, Ahya nói.

Ông dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt 6,5% vào năm 2023, cao hơn mức dự báo 5,9%  của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Nhà kinh tế trưởng châu Á này cũng cho biết Indonesia đã thực hiện các chính sách vĩ mô chính thống, giúp giảm lạm phát về mặt cấu trúc, nhờ vào cam kết của chính phủ nhằm giữ thâm hụt ngân sách dưới 3%. Điều đó cũng giúp tỷ lệ nợ công trên GDP của Indonesia ở mức thấp dưới 40%.

Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng Nhật Bản đang ở điểm thuận lợi  trong nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát nhưng không gặp vấn đề lạm phát nghiêm trọng như Mỹ và châu Âu.

“Điều đó đang tạo ra một môi trường giúp cỗ máy kinh tế hoạt động hiệu quả”, Ahya nhận định.

Theo CNBC, Reuters

Scroll to Top