can can

Trong hai tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao hơn dự kiến, báo hiệu thương mại toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phản ánh sự phục hồi của thương mại toàn cầu

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc công bố hôm 7-3, trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng đô la Mỹ, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Mức tăng trưởng này cao hơn mức dự báo tăng 1,9% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng 3,5% trong cùng kỳ, cũng cao hơn mức dự báo tăng trưởng 1,5%.

Thặng dư thương mại của nước này đạt 125,16 tỉ đô la Mỹ, so với dự báo là 103,7 tỉ đô la. Xuất khẩu sang Mỹ trong hai tháng đầu năm tăng 5% so với với một năm trước đó, cải thiện rõ rệt so với mức giảm 6,9% trong tháng 12.

“Dữ liệu xuất khẩu tốt hơn dự báo của Trung Quốc phản ánh sự phục hồi của thương mại toàn cầu nhờ lĩnh vực điện tử thúc đẩy. Tuy nhiên, điều này một phần đến từ nền tảng so sánh thấp vì tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023 là âm 6,8%”, Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit (EIU) nói.

Giống như Trung Quốc, dữ liệu xuất khẩu của Hàn Quốc, Đức và Đài Loan đều tăng cao hơn kỳ vọng trong hai tháng đầu năm. Các nền kinh tế châu Á hưởng lợi từ nhu cầu chip tăng vọt.

Hải quan Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại kết hợp giữa tháng 1 và tháng 2 để khắc phục những méo mó về số liệu do sự thay đổi thời điểm của của Tết Nguyên đán, rơi vào tháng 2 năm nay.

Số liệu xuất khẩu tích cực mang lại sự nhẹ nhõm của các nhà hoạch chính sách của nước này trong nỗ lực vực dậy tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc là “khoảng 5%”, tương tự như năm ngoái. Ông cũng cam kết củng cố lĩnh vực thương mại.

“Chúng tôi sẽ tăng thêm hỗ trợ vay vốn đối các công ty thương mại, tối ưu hóa các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế hơn”, Thủ tướng Lý Cường phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc trong tuần này.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã phải xoay sở cải thiện tình trạng tăng trưởng dưới mức trung bình trong năm qua.

Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài, người tiêu dùng giảm chi tiêu, các công ty nước ngoài thoái vốn, các nhà sản xuất trong nước chật vật tìm khách hàng và khu vực chính quyền địa phương kẹt trong khối nợ khổng lồ.

Giới chức trách Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để xác nhận sự phục hồi bền vững trong xuất khẩu. Chẳng hạn, trái ngược với dữ liệu thương mại, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 2, tiếp tục suy yếu sang tháng thứ năm liên tiếp, theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố cách đây một tuần. Chỉ số này cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 11 liên tiếp.

Giảm giá để giành đơn hàng xuất khẩu?

Một số nhà kinh tế cho rằng, một phần thành tích xuất khẩu gần đây có thể là do các nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá để giành đơn hàng.

“Sau khi tính đến những thay đổi về giá xuất khẩu và tính thời vụ, chúng tôi ước tính, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng đáng kể trong tháng 1 và tháng 2”, Huang Zichun, nhà kinh tế của Capital Economics nói.

Tuy nhiên, bà hoài nghi về tính bền vững của sức mạnh này vì các nhà xuất khẩu Trung Quốc không còn nhiều khả năng giảm giá để giành thêm thị phần.

Thị trường đã không phản ứng tích cực với dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán bluechip CSI300 của Trung Quốc giảm 0,6% trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,27%.

Dữ liệu riêng biệt, cũng được công bố trong ngày 7-3, cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng 5,1% trong hai tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do các nhà máy lọc dầu tăng cường mua dầu để chế biến, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Kỳ vọng nới lỏng tiền tệ toàn cầu có thể củng cố hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc dù điều kiện kinh tế ở nhiều nước phát triển có vẻ còn ảm đạm trong thời gian tới. Cả Nhật Bản và Anh đều rơi vào suy thoái vào nửa cuối năm ngoái, trong khi nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) đình trệ.

Bắc Kinh cam kết triển khai thêm biện pháp để giúp thúc đẩy tăng trưởng sau khi các chính sách thực hiện kể từ tháng 6 năm ngoái chỉ có tác dụng khiêm tốn.

Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo, dư địa tài khóa của Bắc Kinh hiện rất hạn chế. Những người này lưu ý, báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Lý Cường tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc trong tuần này đã không thực sự tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ở khía cạnh tích cực, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nhận định, tăng trưởng xuất khẩu cho thấy Trung Quốc đang tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông, một yếu tố đang hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc là hoạt động mạnh mẽ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Trong quí cuối năm 2024, hãng xe BYD của Trung Quốc vượt qua Tesla để trở thành công ty dẫn đầu thế giới về doanh số xe điện.

“Xuất khẩu mạnh mẽ giúp bù đắp một phần sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản. Sự cải thiện của hoạt động xuất khẩu có thể củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào nền kinh tế Trung Quốc và hỗ trợ các mục tiêu chính sách của họ như giảm đòn bẩy tài chính của chính quyền địa phương”, Zhiwei Zhang nói.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, có nguy cơ Trung Quốc lặp lại tình trạng tăng trạng trì trệ trước đây của Nhật Bản vào cuối thập niên này, nếu giới chức trách không điều chỉnh lại nền kinh tế theo hướng chú trọng tiêu dùng hộ gia đình và phân bổ nguồn lực theo thị trường.

Theo Reuters, Bloomberg

Scroll to Top