Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ) phối hợp cùng Quỹ châu Á (TAF) đã ra mắt mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào hôm nay, 6-5, tại TP Cần Thơ. Đây là mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu đầu tiên trong cả nước.

Thông tin từ VCCI tại Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà cụ thể trong những năm gần đây, hạn và xâm nhập mặn ở khu vực này đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu nông nghiệp và ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong khu vực.

Chẳng hạn, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn đã làm khoảng 16.500 héc ta diện tích lúa – tôm ở Cà Mau bị thiệt hại, trong đó, có khoảng 14.000 héc ta bị mất trắng; hạn mặn cũng gây thiệt hại khoảng 41.900 héc ta diện tích lúa đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL, trong đó có khoảng 26.000 héc ta mất trắng.

Đối với cây ăn trái, mùa khô 2019-2020, có đến khoảng 6.650 héc ta diện tích bị ảnh hưởng do hạn mặn, trong đó có khoảng 355 héc ta mất trắng và hàng ngàn héc ta rau màu cùng hơn 8.715 héc ta nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng.

Hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 cũng khiến 96.000 hộ dân (khoảng 430.000 nhân khẩu) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Từ thực trạng nêu trên, VCCI tại Cần Thơ cho rằng việc tìm ra giải pháp để thích ứng hiệu quả nhằm kéo giảm tình trạng hạn mặn cũng như những thiệt hại lớn về kinh tế- xã hội đang đòi hỏi cần có sự hành động từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.

“Nhằm mục tiêu liên kết cùng nhau phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động giảm thiểu các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, VCCI tại Cần Thơ cùng với TAF đã tiên phong thành lập mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong Delta Resilient Business Network – MRBN)”, VCCI tại Cần Thơ cho biết.

Theo đó, mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu đầu tiên của cả nước này đã xây dựng xong quy chế hoạt động, thành lập ban điều hành với 11 thành viên, bao gồm các đại diện được mời từ các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học, sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, các dịch vụ công nghệ thích ứng, logistics.

Ngoài ra, mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL cũng đang triển khai nhiều hoạt động như nghiên cứu thực trạng hạn mặn đang diễn ra tại ĐBSCL; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp và kinh tế địa phương; khảo sát thực địa các mô hình kinh doanh thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu, tìm các giải pháp để quản lý các rủi ro thiên tai và ứng phó lâu dài…

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top