Ngày 12/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristaline Georgieva cho biết, Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) của thể chế tài chính này bắt đầu đi vào hoạt động, bổ sung thêm một công cụ cung cấp tài chính quan trọng nhằm giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại dịch cùng những thách thức dài hạn khác.
Bà Georgieva cho biết đã thông báo với Ban điều hành IMF rằng với mục đích hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với những thác thức mang tính cấu trúc, RST đã sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho các nước thu nhập thấp và đa số các nước thu nhập trung bình sau khi quỹ này nhận được 20 tỷ USD tiền vốn trong số 37 tỷ USD cam kết.
Theo Tổng Giám đốc IMF, RST sẽ hỗ trợ tài chính cho nhiều quốc gia với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài (thời gian đáo hạn 20 năm và thời gian ân hạn nợ gốc 10 năm rưỡi). Trong những tháng tới, Ban điều hành IMF sẽ xem xét các đơn xin vay vốn từ công cụ này.
Sáng kiến thành lập RST được bà Georgieva đề xuất lần đầu tiên vào tháng 6/2021 và được Ban điều hành IMF thông qua vào tháng 4/2022. Quỹ này cho phép các quốc gia thành viên giàu hơn chuyển các quỹ dự phòng khẩn cấp cho những nước dễ bị tổn thương giải quyết những thách thức dài hạn có nguy cơ gây bất ổn kinh tế đất nước.
Đến nay, RST đã nhận được 20 tỷ USD từ Australia, Canada, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Tây Ban Nha trong vòng đóng góp vốn đầu tiên trong tổng số 37 tỷ USD mà 13 quốc gia đã cam kết. Phần còn lại sẽ được thực hiện vào đầu năm 2023 sau khi các nước đóng góp hoàn tất các thủ tục trong nước.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam