Ngân hàng trung ương các nước giàu đang mạnh tay nâng dự báo về lạm phát khi cho rằng phải tiếp tục tăng lãi suất và cảnh báo nhà đầu tư về việc lãi suất sẽ còn giữ ở mức cao trong một khoảng thời gian nữa…
Điểm mấu chốt là lạm phát ở mức 5% nghĩa là vẫn còn quá cao và rõ ràng, các thị trường đang đánh giá thấp cam kết của Fed trong việc đưa lạm phát trở lại mức 2%.Hơn 1 năm sau khi chiến dịch chống lạm phát được khởi động, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn một chặng đường phải đi trước khi có thể tuyên bố chiến thắng. Ở Mỹ và châu Âu, lạm phát lõi vẫn ở ngưỡng khoảng 5% hoặc cao hơn. Tốc độ tăng của tiền lương ở hai nền kinh tế đã ổn định, nhưng không có thấy dấu hiệu nào của sự giảm tốc.
TÌNH THẾ “TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN”
Ảnh hưởng của những đợt tăng lãi suất quyết liệt trong 1 năm qua có vẻ như đang yếu đi ở nhiều nơi, thể hiện qua những dấu hiệu về sự bình ổn của thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp quay lại với xu hướng giảm.
Khu vực Eurozone đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý 1 năm nay, nhưng vẫn có thêm gần 1 triệu công việc mới trong 3 tháng đầu năm. Nền kinh tế Mỹ cũng có thêm khoảng 300.000 công việc mới mỗi tháng trong những tháng gần đây. Canada, Thuỵ Điển, Nhật Bản và Anh đều tránh được suy thoái sau khi tăng trưởng bất ngờ khởi sắc.
Tất cả những yếu tố này đặt các ngân hàng trung ương lớn vào một thế khó. Họ cần xác định xem liệu lạm phát đã trở nên bám rễ ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà họ đề ra, đồng nghĩa với việc họ cần phải tăng lãi suất nhiều hơn để xử lý; hay sự xuống thang của lạm phát chỉ đang bị trì hoãn mà thôi. Nếu xác định sai, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hoặc có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu, hoặc khiến các nền kinh tế phải trải qua nhiều năm lạm phát cao.
Trong cuộc họp vào trung tuần tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng việc tăng lãi suất, nhưng phát tín hiệu sẽ còn tăng lãi suất thêm 2 lần nữa với tổng mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm. Nếu việc tăng lãi suất diễn ra đúng như vậy, lãi suất cơ bản của Fed sẽ đạt mức cao nhất 22 năm. Lập trường chính sách tiền tệ này đã được Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định trong cuộc điều trần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ sau đó 1 tuần.
Các ngân hàng trung ương của Australia và Canada mới đây đã khiến nhà đầu tư bất ngờ khi nối lại việc tăng lãi suất sau một thời gian tạm ngừng. Sau cuộc họp của Fed 1 ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới. Chủ tịch ECB Christine Largarde nói “chúng tôi chưa nghĩ đến việc dừng tăng lãi suất”.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), dù đã thể hiện sẵn sàng dừng chuỗi tăng lãi suất, vẫn nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 22/6, đưa lãi suất cơ bản lên mức 5%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BOE, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương và giá cả vẫn dai dẳng ở mức cao. Giới đầu tư cho rằng BOE sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất cho tới mức 5,75%.
ĐỢI BAO LÂU LÀ ĐỦ?
Đối mặt với các tín hiệu kinh tế lẫn lộn, các ngân hàng trung ương đang bước vào một giai đoạn mới: họ cần đợi đủ lâu để các đợt tăng lãi suất đã có thẩm thấu vào nền kinh tế mà không đánh giá sai về lạm phát thêm một lần nữa. Có những lý do chính đáng cho sự chờ đợi này.
Thứ nhất, tiền tiết kiệm được tích lũy bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch có thể đã hỗ trợ chi tiêu và chống lại tác động của việc tăng chi phí đi vay.
Thứ hai, các doanh nghiệp có lợi nhuận cao, cho phép họ giữ chân người lao động trong một nền kinh tế khó khăn. Một khi tiết kiệm cạn kiệt, chi tiêu sẽ giảm và lạm phát có thể tiếp tục giảm.
Việc tăng lãi suất cũng có thể chỉ mới bắt đầu tác động đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể không phản ứng khi chi phí đi vay tăng từ 0 lên 1%, nhưng họ có thể cắt giảm chi tiêu nhiều hơn khi lãi suất tăng lên 5%.
Điều quan trọng là các nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Kinh tế Trung Quốc gần đây có nhiều tín hiệu suy yếu, nhưng Chính phủ nước này có thể sẽ triển khai thêm các biện pháp kích cầu mới. Dù giới chuyên gia không kỳ vọng Bắc Kinh tung ra một gói kích thích khổng lồ, việc Trung Quốc hỗ trợ tăng trưởng có thể mang lại cả lợi ích cho kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì nước này.
Theo ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, nhiều dịch vụ như nhà hàng và bán lẻ vẫn còn dư địa để phục hồi hậu Covid. Tại Vương quốc Anh, sản lượng của các dịch vụ có tiếp xúc với người tiêu dùng vẫn thấp hơn 8,7% so với mức trước đại dịch, trong khi sản lượng của tất cả các lĩnh vực khác đã tăng 1,7% với trước Covid. Chi tiêu mạnh hơn cho các dịch vụ có tiếp xúc người tiêu dùng sẽ làm giảm tác động của việc tăng lãi suất trong một thời gian. Nhưng những tác động đó sẽ không kéo dài nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm, vì sự giảm tốc tăng trưởng sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu.
“Vấn đề chính hiện nay là sự truyền dẫn các quyết định tiền tệ đã có vào nền kinh tế, phản ánh mạnh mẽ qua điều kiện tài chính. Tuy nhiên, tác động kinh tế từ các quyết định đó có thể phải mất đến hai năm để được cảm nhận đầy đủ”, ông François Villeroy de Galhau – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp và là một thành viên của uỷ ban thiết lập tỷ giá tại ECB – nhận định.
Tuy nhiên, những cân nhắc khác lại cho thấy lạm phát có thể sẽ dai dẳng ở mức cao. Một số quan chức của Fed tin rằng lãi suất đang tác động đến nền kinh tế nhanh hơn so với trước đây, có nghĩa là các lần tăng lãi suất trước đó có thể đã phát huy tác dụng thông qua hệ thống – và thậm chí lãi suất cần phải tăng nhiều hơn nữa.
Theo Tạo chí Knh tế Việt Nam