Sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán và trái phiếu trong năm 2022 đã lần đầu tiên làm giảm giá trị tài sản của các quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí trên thế giới với mức giảm lên tới 2.200 tỷ USD.
Báo cáo của Global SWF cho thấy khối tài sản nằm dưới quyền quản lý của các quỹ đầu tư quốc gia đã giảm từ 11.500 tỷ USD xuống 10.600 tỷ USD, trong khi tài sản của các quỹ hưu trí công giảm từ 22.100 tỷ USD xuống 20.800 tỷ USD.
Tình trạng trên diễn ra giữa bối cảnh xung đột Nga – Ukraine thổi giá hàng hóa và đẩy tỷ lệ lạm phát vốn lên mức cao nhất trong 40 năm. Để ứng phó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất và làm dấy lên tình trạng bán tháo trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Diego López của Global SWF cho biết, những khoản lỗ trên chỉ nằm trên giấy tờ và một số quỹ sẽ không nhận ra sự thua lỗ với vai trò là nhà đầu tư dài hạn.
Báo cáo của Global SWF phân tích 455 quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản trị giá 32.000 tỷ USD. Theo báo cáo, 2022 là năm khó khăn nhất đối với quỹ ATP của Đan Mạch khi khối tài sản của quỹ này giảm tới 45%, gây thua lỗ 34 tỷ USD cho những người hưu trí tại Đan Mạch.
Bất chấp mọi sóng gió, số tiền mà các quỹ chi ra để mua các công ty, bất động sản hoặc cơ sở hạ tầng vẫn tăng 12% so với năm 2021. Với 743 giao dịch, các quỹ đầu tư quốc gia đã chi kỷ lục 257,5 tỷ USD với một số giao dịch lớn có trị giá hơn 1 tỷ USD.
Quỹ GIC của Singapore đứng đầu bảng, khi chi hơn 39 tỷ USD cho 72 thương vụ, trong đó, một nửa được đổ vào bất động sản. Quỹ GIC đang quản lý khối tài sản trị giá 690 tỷ USD.
Báo cáo của Global SWF cho biết, nếu thị trường tài chính tiếp tục giảm trong năm 2023, có khả năng các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục “săn voi” như một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phân bổ vốn. Điều này sẽ khiến các quỹ đầu tư từ vùng Vịnh như ADIA, Mubadala, ADQ, PIF, QIA trở nên tích cực hơn nhiều trong việc mua lại các công ty phương Tây ghi nhận doanh thu lớn từ dầu mỏ trong năm qua.
Theo Reuters