Vào ngày 15 tháng 05 vừa qua, Chính phủ đã ra Quyết định số 645/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc giai giai đoạn 2021-2025. Đây được coi là văn bản chính thức đề ra những mục tiêu cụ thể cũng như đưa ra những giải pháp toàn diện cho việc phát triển và áp dụng rộng rãi thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025.
TMĐT được coi là trọng tâm của nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện và đổi mới môi trường kinh doanh cũng như thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bản Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc giai giai đoạn 2021-2025 có các mục tiêu tổng thể như:
- Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng;
- Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT;
- Xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững;
- Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới;
- Trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra bản Kế hoạch bao gồm các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như:
- Về quy mô thị trường thương mại: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với tổng giá trị mua hàng hóa và dịch vụ đạt 600 đô/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ đô;
- Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT: 50% thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó 80% qua các dịch vụ trung gian thanh toán; 70% giao dịch TMĐT có hóa đơn điện tử; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT;
- Về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế: các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến;
- Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
- Về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT: 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai về đào tạo TMĐT; 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Trong số các nhóm giải pháp phát triển TMĐT quốc gia, đáng chú ý phải kể đến nhóm nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng cho tiêu thụ hàng hóa nội địa cũng như nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như:
- Nghiên cứu, phát triển và đưa vào triển khai mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) để dự báo thị trường và gắn kết hiệu quả các quá trính sản xuất với nhu cầu thị trường;
- Phát triển các hệ thống thông tin lớn cho từng ngành, có khả năng phân tích và tích hợp trên nền tảng dữ liệu lớn;
- Triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình doanh nghiệp số đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của từng địa phương…
Thông tin chi tiết xem tại: http://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chinh-phu-phe-duyet-ke-hoach-tong-the-phat-trien-thuong-mai-%C4%91ien-tu-quoc-gia-giai-%C4%91oan-2021-2025-19400-22.html
Nội dung chi tiết Quyết định số 645/QĐ-TTg xem chi tiết tại: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=200038