Với gần 25 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay và dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 10 tỷ USD vốn FDI nữa, thì nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hải Phòng rất lớn…
Tại Hội nghị kết nối nhà trường – doanh nghiệp giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ngày 15/5/2023, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết mục đích hội nghị nhằm đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng.
Với gần 25 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay và dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 10 tỷ USD vốn FDI nữa, thì nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hải Phòng rất lớn. Theo tính toán, mỗi 1 tỷ USD đầu tư cần 10.000 lao động, trong đó có khoảng 3.000 lao động chất lượng cao. Cùng với đó, thành phố Hải Phòng định hướng phải thành lập từ một đến hai trung tâm đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Ngoài kỳ vọng sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài thì sự hợp tác với Đại học Bách khoa là một trong những cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước sẽ góp phần giải quyết bài toán trên.
Tại Hội nghị, đại diện doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm LG Display Việt Nam Hải Phòng, Tập đoàn Sao Đỏ, Công ty Heesung Việt Nam, Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Nhật Bản… cùng các doanh nghiệp khác đánh giá cao việc hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội trong đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là tiền đề để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 1.700 cán bộ, trong đó có 1.078 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 814 cán bộ có trình độ tiến sĩ, chiếm 75,5%, trong số đó có 266 GS/PGS, chiếm 24,67%, đạt tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Hàng năm, Nhà trường đào tạo khoảng 35.000 sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu, hăng say sáng tạo.
Trong số đó ở Đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.200 sinh viên từ TP. Hải Phòng, 2.100 sinh viên từ Hải Dương; tỷ lệ các sinh viên Bách khoa Hà Nội đến từ Hải Phòng, Hải Dương khoảng 12% trong tổng số các sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bốn lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên giai đoạn 2021-2030 của Nhà trường là: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; và Khoa học và công nghệ sức khỏe. Nhà trường đã hình thành một số nhóm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn là nhóm nghiên cứu mạnh, thành lập 30 phòng thí nghiệm nghiên cứu/đào tạo trong các lĩnh vực Điện – Điện tử, Cơ khí, Hóa và Vật liệu. Năm 2023, 4 ngành học của đại học là: Kỹ thuật điện và điện tử; Kỹ thuật – cơ khí, Hàng không và chế tạo; Khoa học máy tính và hệ thống thông tin; Toán học đã được QS Ranking xếp hạng từ 300 – 500 trên thế giới.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng.
Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội được giao một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là sẽ được đầu tư tập trung và cần phát triển trở thành một trong những đại học đứng ở trong nhóm top đầu của châu Á, tập trung vào đào tạo nguốn nhân lực chất lượng cao.
Trong khu vực đồng bằng sông Hồng hình thành một tam giác rất mạnh giữa Quảng Ninh – Hải Phòng và Hà Nội. Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, vai trò của Nhà trường là cần tập trung vào nghiên cứu, giảng dạy, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế vùng. Có kết hợp chặt chẽ với địa phương, với các doanh nghiệp thì Bách khoa Hà Nội mới hoàn thành được nội dung này.
Theo VnEconomy