bt96

Ngay phiên họp sáng 08/06 Kỳ họp IX Quốc hội khóa XIV, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây được coi là buớc tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế song phương và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư từ châu Âu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Liên minh EU trong nhiều năm qua là một trong các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tại thời điểm hiện nay, EU là thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ.

Hiệp định EVFTA được coi là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với một loạt các cam kết trong các lĩnh vực phi truyền thống như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa thương mại, chính sách về lao động. Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam và Liên minh EU trải qua nhiều vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Vào 26/06/2018, nhằm phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế song phương, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Theo dự báo, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định EVFTA, 97% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được hưởng chế độ miễn giảm thuế. Thông qua Hiệp định EVFTA, mức độ tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam trong 5 năm đầu thực hiện sẽ tăng thêm trung bình từ 2 đến 3%, và sau 15 năm thực hiện mức tăng này có thể đạt 7-7,7%. Hiệp định EVIPA sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ chế biến theo công nghệ cao. Ngoài ra, theo ước tính hàng năm, tại Việt Nam sẽ có thêm 146.000 việc làm mới thông qua việc thực thi các hiệp định kể trên. 

Nhằm đón đầu cơ hội đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư Việt Nam-EU, Bộ Công Thương đã chuẩn bị bản Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch gồm các nhóm chính như: 

  • Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; 
  • Công tác xây dựng pháp luật, thể chế; 
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực;
  • Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; 
  • Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo dự kiến, ngay sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, Viêt Nam và phía EU sẽ bàn bạc thống nhất để Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi ngay trong vài tháng tới đây. Việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thông tin chi tiết xem tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/evfta-va-evipa-chinh-thuc-duoc-quoc-hoi-viet-nam-thong-qua-cho-ngay-co-hieu-luc-72380.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top