Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng cao, như cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu, hạt điều, gỗ, gạo, cao su…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, hiện đang ở mức khoảng 1 tỷ USD/năm.
NHIỀU MẶT HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU SANG NGA TĂNG TRƯỞNG CAO
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga đạt 331,3 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga lớn nhất, đạt 161,6 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,7%; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 81,8%; rau quả đạt 26,8 triệu USD, tăng 25,2%.
Xuất khẩu cao su sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng 23,8%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 47,6%, xuất khẩu gạo tăng gấp đôi, còn hạt tiêu tăng mạnh, tới 96,9%. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có mặt hàng chè ghi nhận tăng trưởng âm 12%.
“Nhìn chung, thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga bao gồm cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu, chè, hạt điều và gỗ. Ngược lại, Nga xuất khẩu sang Việt Nam thủy sản, lúa mì, phân bón và thịt đông lạnh”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định hiện nay, vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn.
Các tập đoàn vận tải Nga mở tuyến vận tải thẳng từ TP.HCM – Hải Phòng – Vladivostok (Nga); đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, giúp việc vận chuyển hàng hóa trở nên nhanh hơn, thời gian vận chuyển ngắn hơn. Ngoài ra, hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ giao hàng với Nga nên việc vận tải hàng hóa trở nên đa dạng.
Những ưu đãi về thuế quan sau khi nước ta ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu vào năm 2015 cũng giúp các mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường này, trong đó có Nga.
Ông Gennady Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, cho biết từ năm 2016, Nga đã chứng kiến sự bùng nổ trong xuất khẩu nông sản, vượt qua giá trị xuất khẩu vũ khí với con số ấn tượng 16 tỷ USD.
Đến năm 2021, giá trị này đã đạt 38 tỷ USD và tiếp tục tăng lên hơn 40 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu nông sản Nga vượt ngưỡng 50 tỷ USD, tương đương với Việt Nam. Với đà phát triển này, Nga đang trên đà lọt vào top 10 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Tuy nhiên, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nga vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào thương mại, khoa học công nghệ và hợp tác kỹ thuật.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nga vào Việt Nam không đáng kể, trong khi đầu tư từ Việt Nam sang Nga nổi bật với dự án chăn nuôi bò sữa của TH True Milk trị giá 2,7 tỷ USD.
“Dự án Trang trại bò sữa cao sản của Tập đoàn TH True Milk tại Nga là điểm sáng trong hợp tác giữa hai doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá; đồng thời đề nghị cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn để dự án này thành công và nhân rộng các mô hình tương tự.
Thời gian qua, đã diễn ra nhiều hoạt động trao đổi về nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Cụ thể, tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã cử đoàn sang Nga để kiểm tra hệ thống chất lượng, an toàn ngũ cốc nhằm tăng cường hợp tác và kiểm soát xuất khẩu lúa mì của Nga sang Việt Nam.
Theo Thông tư số 04/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cỏ kế đồng đã được miễn kiểm dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu lúa mì từ Nga.
Ngày 27-29/9/2023, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tham dự Diễn đàn quốc tế về công nghiệp thủy sản lần thứ VI và Triển lãm công nghệ thủy hải sản tại Nga. Nhân sự kiện này, đoàn đã làm việc với Cục thủy sản Liên bang Nga để thúc đẩy hợp tác song phương, thương mại thủy hải sản và thảo luận sửa đổi một số nội dung về hợp tác nghề cá theo Nghị định thư năm 1994 giữa hai Chính phủ.
“Hiện tại, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Nga được cấp quyền sang Việt Nam tăng nhiều lần so với số doanh nghiệp Việt Nam được cấp quyền sang Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực các sản phẩm thịt. Chúng tôi hiểu rằng, việc tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp hai nước là rất cần thiết”.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở chiều ngược lại, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) hiện đã công nhận 57 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang Liên bang Nga và Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, đặc biệt là trong bối cảnh các cơ hội và thách thức mới trong thị trường toàn cầu”.
“Việc tạo ra một cơ chế hợp tác rõ ràng và hiệu quả giữa hai bên là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại của cả hai nước. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn về hợp tác trong lĩnh vực nông sản, mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đại sứ Gennady Bezdetko nhận định, tiềm năng hợp tác hai bên còn rất lớn nhưng chưa tận dụng hết mối quan hệ truyền thống hữu nghị từ lịch sử để lại và quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.
“Hiện nay, hai bên vẫn còn vướng mắc trong vấn đề tiếp cận và mở cửa thị trường xuất nhập khẩu cho nhau, ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng tăng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản của Nga và Việt Nam không cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xúc tiến”, Đại sứ Gennady Bezdetko nói.
Nhằm thúc đẩy thương mại thủy sản với Nga, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần tập trung tạo ra cơ chế hợp tác gần gũi để hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn. Theo đó, liên kết chuỗi có hệ thống, từ cấp quản lý đến doanh nghiệp, cũng như xem xét khả năng thanh toán, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hai nước.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị phía Nga nhanh chóng xem xét công nhận bổ sung cơ sở thủy sản được phép xuất khẩu vào Liên bang Nga. Việt Nam mong muốn Nga sẽ hỗ trợ các công nghệ phục vụ lĩnh vực nuôi biển, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành ngư nghiệp và định hướng phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam