Sự lây lan toàn cầu của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước, trong đó có các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội của Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh đã phần nào làm gián đoạn cung cầu của hoạt động xuất nhập khẩu trong nước. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại các thị trường xuất khẩu chủ đạo (Hoa Kỳ, thị trường các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản) đã dẫn đến tình trạng các DN xuất khẩu bị hủy đơn hàng trong vài tháng qua. Ngoài ra các DN cũng phải đối mặt với khó khăn tìm kiếm đơn hàng khi mà không thể tiếp cận các đối tác theo các cách truyền thống như tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo doanh nghiệp…
Tuy nhiên đây cũng là cú hích để các DN trong nước đẩy nhanh tiến trình thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống sang thương mại số. Ngoài ra cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các kênh trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Thực tế cho thấy thì đến thời điểm hiện nay, các DN Việt Nam chưa tận dụng hết các lợi thế của TMĐT, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn. Mô hình phát triển TMĐT tại một số quốc gia (sàn TMĐT Alibaba tại trung Quốc, trang thương mại Amazon tại Hoa Kỳ…) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và kết nối các DN thuộc nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, logistics… trên thế giới. TMĐT góp phần tiết kiệm các khoản chi phí lớn của các DN cho việc quảng cáo, thuê văn phòng… cũng như dễ dàng tiếp cận các khách hàng tiềm năng trên toàn cầu và đơn giản hóa phương thức thanh toán thương mại.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các DN xuất nhập khẩu trong nước, ngày 27/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 431/QĐ-Ttg về việc Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động Thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Phạm vi của Quyết định này là các giao dịch TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trên các sàn giao dịch TMĐT, trang TMĐT bán hàng. Các giao dịch bao gồm thông tin về đơn hàng sẽ được gửi trước đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT. Quyết định này sẽ tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Tuy vậy hiện nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn còn gặp nhiều hạn chế như hiểu biết về thương mại số, tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cung ứng, quản lý chất lượng sản phẩm. Những hạn chế này là trở ngại cho việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể chủ động tìm hiểu và tiếp cận các thị trường mới tiềm năng qua các trang thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước, cũng như các công cụ dữ liệu quốc tế như:
- Trang thông tin Bộ Công Thương: https://www.moit.gov.vn/;
- Cổng thông tin thị trường nước ngoài http://vietnamexport.com/),
- Công cụ Trade Map – bản đồ thương mại của Trung tâm thương mại thế giới ITC: https://www.trademap.org/;
- Công cụ MacMap – bản đồ tiếp cận thị trường của Trung tâm thương mại thế giới ITC: https://www.macmap.org/)
Ngoài ra các DN xuất nhập khẩu có thể tham khảo tư vấn về nghiệp vụ chuyên ngành cũng như tham khảo các báo cáo chuyên sâu về thị trường từ các chuyên gia thuộc các Viện nghiên cứu và Trường đại học trong nước.
Trường Đại học Ngoại thương bên cạnh là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại quốc tế; còn là cơ sở tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thông tin thị trường cũng như nâng cao nghiệp vụ xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp.
Thông tin chi tiết xem tại nguồn: http://trungtamwto.vn/chuyen-de/15304-hau-covid-19-va-co-hoi-cho-xuat-khau-qua-thuong-mai-dien-tu