Vào ngày 01/08/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực thực thi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hiệp định EVFTA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang một trong những thị trường chính tiêu thụ hàng Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA được coi là Hiệp định thế hệ mới bao gồm các cam kết trong nhiều lĩnh vực phi truyền thống như mua sắm công, phát triển bền vững, doanh nghiệp nhà nước, lao động, sở hữu trí tuệ. Bên cạnh lĩnh vực thương mại, Hiệp định cũng sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia thành viên EU.
Hiệp định EVFTA cũng như nhiều Hiệp định về thương mại khác đều đem đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định thương mại thực chất nhằm quy chuẩn hóa các quy định trong lĩnh vực thương mại (thuế quan, quy tắc xuất xứ, quy định về kiểm soát an toàn chất lượng…) để từ đó tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết Hiệp định.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nền kinh tế Việt Nam nói chung, và hàng hóa xuất khẩu nói riêng sang thị trường EU sẽ có những lợi thế như:
- Việc phía EU cam kết miễn, giảm thuế sẽ tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.
- Việc thực thi các quy định khắt khe của EU trong kiểm định chất lượng hàng hóa sẽ tạo sức ép để các doanh nghiệp trong nước có hướng chuyển đổi sản xuất theo quy trình chất lượng cao và đảm bảo môi trường bền vững.
- Hiệp định EVFTA sẽ là động lực để các doanh nghiệp trong nước chú trọng hơn đến việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng như việc nền kinh tế Việt Nam sẽ thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vượt qua các thách thức như:
– Đảm bảo các yêu cầu khắt khe của phía EU về chất lượng hàng hóa, quy tắc xuất xứ;
– Sự không tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng giữa hai bên sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và dự báo xu hướng tiêu dùng tại thị trường EU.
Để có thể hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến những yếu tố như:
- Hiểu rõ về các điều kiện cam kết trong Hiệp định EVFTA bao gồm cả những cam kết về miễn, giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan tại thị trường EU. Điều này phần nào sẽ giúp doanh nghiệp có sự đánh giá nhất định về tầm ảnh hưởng của Hiệp định lên từng ngành hàng.
Theo cam kết, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, phía Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ cho Việt Nam 85,6% dòng thuế trong biểu thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Theo lộ trình miễn, giảm thuế trong 7 năm, phía EU sẽ miễn 99,2% dòng thuế tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Giá trị 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, phía EU sẽ dành cho phía Việt Nam hưởng chế độ thuế suất 0% dưới hình thức phân bổ hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho một số nhóm hàng hóa.
Thông tin tham khảo về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan dành cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU xem tại: https://fbsp.ftu.edu.vn/co-che-han-ngach-thue-quan-danh-cho-hang-hoa-xuat-khau-cua-viet-nam-vao-thi-truong-lien-minh-chau-au-eu/
Theo cam kết Hiệp định EVFTA, phía EU sẽ miễn, giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam như sau:
– Thủy sản (trừ nhóm mặt hàng theo cơ chế hạn ngạch thuế quan): xóa bỏ khoảng 50% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong thời gian từ 3 đến 7 năm;
– Cà phê: xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực;
– Rau, quả tươi và chế biến; nước hoa quả; hoa tươi: xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực;
– Dệt may: 42,5% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 7 năm;
– Giày dép: 37% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 7 năm;
– Gỗ và sản phẩm gỗ: 83% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 5 năm;
– Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 74% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 5 năm.
Thông tin tham khảo thêm về cam kết miễn, giảm thuế, hàng rào phi thuế quan trong Hiệp định EVFTA xem tại:
http://trungtamwto.vn/chuyen-de/11795-tom-luoc-chung-ve-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam—eu-evfta
http://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong
- Hiểu rõ về các cam kết trong việc mở cửa ngành hàng của Việt Nam dành cho phía đối tác EU để từ đó các doanh nghiệp có chiến lược thu hút vốn đầu tư cũng như phát triển hợp tác liên kết. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, phía Việt Nam sẽ mở của rộng hơn cho phía EU trong các lĩnh vực dịch vụ như:
– Dịch vụ kinh doanh;
– Dịch vụ môi trường;
– Dịch vụ bưu chính và chuyển phát;
– Tài chính ngân hàng;
– Bảo hiểm;
– Vận tải biển.
Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng cam kết mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư EU trong lĩnh vực sản xuất như:
– Thực phẩm và đồ uống;
– Phân bón và hợp chất nitơ;
– Săm lốp;
– Găng tay và sản phẩm nhựa;
– Đồ gốm;
– Vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, phía Việt Nam cho phép phía EU tham gia đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm công của các nơi như:
– Các Bộ ngành;
– Các doanh nghiệp Nhà nước;
– 34 bệnh viện công.
- Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã làm gián đoạn cung cầu trên toàn thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi quy trình sản xuất và chiến lược kinh doanh để bắt kịp với xu thế tiêu dùng mới của khách hàng.
Thông tin tham khảo về xu hướng sản xuất và tiêu dùng mới trong ngành dệt may tại thị trường EU xem tại:
Thông tin tham khảo xem tại:
https://bizlive.vn/thoi-su/truoc-them-evfta-co-hoi-thuc-ra-cung-chinh-la-thach-thuc-3547676.html
http://trungtamwto.vn/chuyen-de/15739-hiep-dinh-evfta-tan-dung-loi-the-tranh-ap-luc-cho-hang-viet