Sự bùng phát của dịch COVID-19 toàn cầu từ đầu năm 2020 đã có tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành tài chính ngân hàng. Việc nhiều doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thất thu trong giai đoạn vừa qua đã buộc ngành ngân hàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ dưới hình thức giãn hoặc hoãn nợ, giảm lãi, phí từ đó dẫn đến việc doanh thu và giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng bị sụt giảm. Theo báo cáo đánh giá từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vào tháng 04/2020, giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự sụt giảm mạnh đến 22,4% kể từ đầu năm 2020.
Bước vào giai đoạn hậu COVID-19, ngành ngân hàng cần có chiến lược dài hạn để phục hồi và phát triển bền vững. Trong đó, chuyển đổi số là xu hướng chung phát triển của nhiều ngành nghề kinh tế trên toàn cầu trong vài năm qua, và xu hướng này sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định về kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, và từ đó sẽ khiến nhu cầu về cung cấp dịch vụ tài chính gia tăng. Đây được coi là những yếu tố thuận lợi ngành ngân hàng cần nắm bắt để bắt kịp xu thế phát triển trong thời gian tới.
Theo đánh giá từ của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), một số xu hướng phát triển đang được hình thành và phát triển trong ngành ngân hàng trong giai đoạn tới như:
- Chuẩn hóa hoạt động ngân hàng và xu hướng M&A (mua lại, sáp nhập)
Trong vài năm qua, Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành liên quan đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm chuẩn hóa hoạt động của ngành ngân hàng. Theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thu hút đầu tư từ EU vào nhiều ngành nghề tại Việt Nam, trong đó có ngành tài chính ngân hàng. Theo đánh giá, việc này sẽ tạo ra làn sóng M&A trong ngành trong thời gian tới.
- Ngân hàng mở dựa trên công nghệ nền tảng mở (Application Programming Interface, API)
Công nghệ API kết nối sản phẩm, dịch vụ từ nhiều đối tác thông qua việc cho phép bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng. Ngân hàng có thể xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp đến khách hàng những dịch vụ truyền thống như chuyển tiền, tiết kiệm kết hợp với sản phẩm và dịch vụ từ các đối tác liên kết.
- Ngân hàng trên đám mây (cloud banking)
Công nghệ điện toán đám mây tăng cường tính bảo mật trong lưu trữ, quản lý hồ sơ phục vụ cho việc phân tích dữ liệu trên thị trường cũng như về nhu cầu khách hàng.
- Đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm tài chính ngân hàng
Xu hướng bán chéo sản phẩm, dịch vụ tài chính giữa ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư, giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, giữa ngân hàng với công ty chứng khoán…
- Tăng cường, liên kết hợp tác giữa ngân hàng với công ty công nghệ tài chính (fintech)
Sự liên kết giữa ngân hàng với công ty công nghệ tài chính sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính nhằm cung cấp đến khách hàng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
Nội dung chi tiết Quyết định số 986/QĐ-TTg xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tien-te-ngan-hang/Quyet-dinh-986-QD-TTg-2018-phe-duyet-Chien-luoc-phat-trien-nganh-Ngan-hang-Viet-Nam-2025-2030-390316.aspx
Thông tin tham khảo xem tại:
https://vnexpress.net/ngan-hang-mo-co-hoi-but-pha-cua-nganh-tai-chinh-4023329.html