Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ quý I năm 2020, kinh tế thế giới đã chứng kiến điều chưa từng thấy kể từ khi chủ nghĩa toàn cầu hóa lên ngôi trong hai chục năm gần đây. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có các nước công nghiệp phát triển (Trung Quốc, các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc), đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nền sản xuất toàn cầu chững lại, giao thương giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ phải tạm ngừng. Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến thương mại quốc tế như sản xuất phục vụ xuất khẩu và logistics.
Từ trước đến nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường chú trọng nhiều hơn đến phát triển thị trường xuất khẩu. Thị trường nước ngoài đem lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng khiến các DN dễ tổn thương hơn trước các biến động của kinh tế thế giới. Chưa kể do ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển đúng tầm đã dẫn đến sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất.
Sự lây lan toàn cầu của dịch COVID-19 từ đầu năm đã phần nào chứng minh sự dễ tổn thương của các DN xuất khẩu qua hàng loạt các thách thức như tình trạng bị hủy đơn đặt hàng xuất khẩu dẫn đến ùn ứ hàng hóa, khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng mới, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất từ thị trường Trung Quốc.
Vì vậy đây là lúc các DN trong nước cần bắt kịp xu thế thị trường và có bước chuyển hướng sang thị trường nội địa để giảm sự lệ thuộc vào sự biến động trên thị trường thế giới do dịch COVID-19 gây ra. Quy mô thị trường nội địa Việt Nam không hề nhỏ với khoảng 100 triệu dân, trong đó khoảng 20 triệu người dân đang sinh sống tại 2 thành phố có mặt bằng thu nhập trung bình cao nhất cả nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã sớm khống chế được sự lây lan của dịch COVID-19, tạo tiền đề để thị trường trong nước hồi phục. Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thị trường trong nước đã tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác và phát triển thị trường nội địa đem lại nhiều lợi ích cho DN như:
– Tiết kiệm chi phí logistics;
– Ưu thế cạnh tranh về giá thành sản phẩm so với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
– Giảm phụ thuộc vào biến động trên thị trường tiêu thụ quốc tế;
– Các DN có nhiều cơ hội và điều kiện để kết nối cùng phát triển.
Trong dài hạn, việc phát triển thị trường trong nước cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian vừa qua đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm địa phương như bản Kế hoạch Tổ chức hoạt động liên kết vùng hỗ trợ quảng bá kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương năm 2020 (thông tin chi tiết xem tại: https://fbsp.ftu.edu.vn/ket-noi-trao-doi-hang-hoa-giua-cac-dia-phuong/).
Nhằm khai thác hiệu quả thị trường trong nước, DN cần có chiến lược cũng như bắt kịp xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới. Khách hàng nội địa đang ngày càng ưa chuộng nhóm mặt hàng, sản phẩm được làm từ nguyên liệu chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe và được sản xuất theo quy trình đảm bảo (Thông tin tham khảo xem tại: https://fbsp.ftu.edu.vn/xu-huong-tieu-dung-tai-thi-truong-noi-dia/).
Thông tin tham khảo xem tại:
https://laodong.vn/kinh-te/thi-truong-noi-dia-van-la-don-bay-giup-doanh-nghiep-phat-trien-819124.ldo
https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-noi-dia-diem-tua-giup-doanh-nghiep-vuot-kho-covid-101468.html
https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nhin-ve-thi-truong-noi-dia-d121482.html
https://bnews.vn/tao-nen-tang-de-thuc-hien-cac-chuoi-cung-ung/156316.html