Nhằm hoàn thiện cũng như đưa vào quy chuẩn việc quản lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt, vào ngày 05/05/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ban hành để thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi truờng đối với nước thải.
Trong Nghị định số 53/2020/NĐ-CP có các quy định chi tiết liên quan đến nước thải công nghiệp dành cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Theo đó, nước thải công nghiệp được định nghĩa là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm:
– Cơ sở sản xuất, chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá;
– Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại theo quy định pháp luật về chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm;
– Cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định;
– Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề;
– Cơ sở: Thuộc da, tái chế da, dệt, nhuộm, may mặc;
– Cơ sở: Khai thác, chế biến khoáng sản;
– Cơ sở sản xuất: Giấy, bột giấy, nhựa, cao su; linh kiện, thiết bị điện, điện tử;
– Cơ sở: Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng;
– Cơ sở: Sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu, xử lý chất thải;
– Cơ sở: Hóa chất cơ bản, phân bón, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng;
– Nhà máy cấp nước sạch, nhà máy điện;
– Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu đô thị;
– Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cảng cá, khu công nghệ cao và các khu khác;
– Cơ sở sản xuất, chế biến khác có phát sinh nước thải từ hoạt động sản xuất, chế biến.
Bên cạnh đó, Nghị định số 53 cũng quy định chi tiết về những trường hợp không phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải như:
– Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện;
– Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra;
– Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân.
Ngoài ra, Nghị định số 53 có quy định về mức phí và cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:
- Thông số ô nhiễm (thuộc diện phải thực hiện đo đạc, kê khai và tính phí) được xác định căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải hiện hành. Trường hợp nước thải của cơ sở chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng thì căn cứ vào thông số ô nhiễm có trong hồ sơ môi trường (hồ sơ đã được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phê duyệt, xác nhận);
- Lượng nước thải/ngày được xác định theo số liệu đo đạc thực tế hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
- Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau:
– Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm;
– Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi sẽ áp dụng mức phí tính theo lưu lượng nước thải bình quân (m2/ngày): từ 10 đến dưới 20 m2/ngày sẽ phải đóng 4 triệu đồng/năm; từ 5 đến dưới 10 m2/ngày sẽ phải đóng 3 triệu đồng/năm; dưới 5m2/ngày mức đóng sẽ là 2,5 triệu đồng/năm.
- Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3 /ngày trở lên sẽ tính phí theo công thức:
F = f + C
Trong đó:
– F là số phí phải nộp.
– f là mức phí cố định: 1,5 triệu đồng/năm (kể từ ngày 01/01/2021 trở đi là 4 triệu đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4.
– C là phí biến đổi, tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất như sau: nhu cầu ô xy hóa học (COD) – 2000 đồng/kg; chất rắn lơ lửng (TSS) – 2400 đồng/kg; thủy ngân (Hg) – 20 triệu đồng/kg; chì (Pb) – 1 triệu đồng/kg; arsenic (As) – 2 triệu đồng/kg; cadimium (Cd) – 2 triệu đồng/kg.
Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp liên quan thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:
– Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 20 m3/ngày trở lên: Hàng quý, chậm nhất là ngày 20 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, người nộp phí kê khai phí (theo Mẫu tờ khai số 02) với tổ chức thu phí và nộp phí vào tài khoản “Tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp” của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước; nộp bổ sung số phí phải nộp theo Thông báo của tổ chức thu phí (nếu có) trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có Thông báo;
– Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20 m3/ngày người nộp phí thực hiện kê khai phí một lần với tổ chức thu phí khi mới bắt đầu hoạt động (theo Mẫu tờ khai số 02), thời gian khai chậm nhất là ngày 20 tháng liền sau tháng bắt đầu hoạt động. Bên cạnh đó, bên nộp phí thực hiên nộp phí một lần cho cả năm theo Thông báo của tổ chức thu phí, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 31 tháng 3 hàng năm. Trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau ngày 31 tháng 3 hàng năm thực hiện nộp phí theo Thông báo của tổ chức thu phí trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có Thông báo.
Nghị định số 53/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thực thi từ ngày 01/07/2020.
Nội dung chi tiết Nghị định 53/2020/NĐ-CP kèm mẫu tờ khai đi kèm xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thue-phi-le-phi/Nghi-dinh-53-2020-ND-CP-quy-dinh-phi-bao-ve-moi-truong-doi-voi-nuoc-thai-411948.aspx