Nhà đầu tư khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang coi vàng là tài sản để đa dạng hóa danh mục và là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không ổn định và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Nhiều quỹ quản lý tài sản châu Á muốn mua thêm vàng
Báo cáo kháo sát của State Street Global Advisors (SSGA) và Hội đồng Vàng thế giới (WGC), công bố hôm 26-6, cho thấy, 27% trong số các quỹ quản lý tài sản ở khu vực APAC có ý định tăng nắm giữ vàng trong 12-18 tháng tới. Kết quả này cao hơn tỷ lệ 21% quỹ quản lý tài sản ở khu vực Bắc Mỹ muốn mua thêm vàng trong cùng giai đoạn. Cuộc khảo sát được thực hiện với 850 nhà đầu tư tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở khu vực APAC và Bắc Mỹ. Trong số này có 63 quỹ quản lý tài sản ở APAC và 75 quỹ quản lý tài sản ở Bắc Mỹ. 51% quỹ quản lý tài sản APAC trong cuộc khảo sát có số tài sản hơn 5 tỉ đô la Mỹ.
Kết quả khảo sát nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng của khu vực châu Á đối với vàng. Robin Tsui, nhà chiến lược phụ trách thị trường vàng APAC của SSGA lưu ý, nhu cầu vàng trong khu vực được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ở Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Diễn biến này giống như những gì thị trường đã chứng kiến trong nửa đầu năm. Các nhà đầu tư châu Á có xu hướng xem vàng như tài sản cốt lõi để đầu tư dài hạn.
“Tôi nghĩ các nhà đầu tư châu Á nhìn chung đang đối mặt với một nền kinh tế khác so với Mỹ. Môi trường lãi suất thấp hơn thúc đẩy nhu cầu vàng của khu vực này trong năm 2024 cho đến nay. Tôi kỳ vọng đó sẽ là xu hướng trong tương lai, khi Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất,” Robin Tsui nói với trang tin AsianInvestor.
57% trong số quỹ quản lý tài sản khu vực APAC đang đầu tư vào vàng cho biết, nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư, đặc biệt là trong thời kỳ thị trường bất ổn là lý do hàng đầu để họ mua vàng hoặc tăng cường tiếp xúc với vàng. 37% nói rằng nhu cầu phòng ngừa rủi ro đồng đô la Mỹ suy là lý do thứ hai thúc đẩy họ đầu tư vào vàng.
John Reade, giám đốc chiến lược thị trường châu Âu và châu Á của WGC cho biết, nhà đầu tư ở châu Á lo lắng về chính sách tiền tệ và yếu tố địa chính trị hơn nhà đầu tư ở Bắc Mỹ, nơi lạm phát dai dẳng là mối quan tâm hàng đầu.
“Vàng đã được chứng minh là tài sản đa dạng hóa hiệu quả trong những thời kỳ bất ổn kinh tế và biến động tài sản. Đó là lý do hàng đầu thúc đẩy các quỹ quản lý tài sản ở khu vực APAC đầu tư vào vàng”, Reade nói.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán Mỹ có hiệu suất cao hơn so với chứng khoán châu Á khiến nhà đầu tư Mỹ ít có động lực hơn để phân bổ vốn vào vàng.
Tiền tệ châu Á mất giá thúc đẩy nhu cầu vàng
Robin Tsui của SSGA cũng lưu ý, sự mất giá của các đồng tiền ở châu Á so với đồng đô la Mỹ là một yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư trong khu vực mua vàng.
“Chúng ta đang chứng kiến với tình trạng đồng tiền mất giá ở hầu hết các nước trong khu vực APAC, bao gồm cả Nhật Bản. Trong khi đó, một số quỹ quản lý tài sản của Thái Lan khá lo ngại về việc đồng baht mất giá”, Tsui nói.
Cuộc khảo sát trên cho thấy, gần một nửa trong các quỹ quản lý tài sản khu vực APAC phân bổ từ 1-4,9% cho vàng trong danh mục đầu tư của họ; 22% phân bổ từ 0,1-0,9%; và 8% đầu tư hơn 5% tài sản vào vàng.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất do lạm phát dai dẳng, thị trường vàng đã hoạt động vượt qua kỳ vọng.
Trong sáu tháng qua, giá vàng trên thị trường quốc tế đã chạm nhiều mức cao kỷ lục mới. Nếu tính tới ngày 25-6 giá vàng thế giới đã tăng 12,8%, tương đương 264 đô la Mỹ, lên khoảng 2.325 đô la/ounce.
“Vàng có hiệu suất tăng giá hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi mong đợi. Điều đó xảy ra không phải nhờ nhu cầu đầu tư của phương Tây, mà là ở các thị trường mới nổi”, Reade của WGC nói với AsianInvestor.
Reade cho biết thêm, nhà đầu tư của Trung Quốc và Ấn Độ đang có nhu cầu mạnh mẽ đối với các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), theo dõi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng. Ông dự đoán, giá vàng có khả năng tiến lên các đỉnh cao mới nếu các nhà đầu tư phương Tây mua vàng nhiệt tình hơn khi Mỹ giảm lãi suất.
Bầu cử tổng thống Mỹ đẩy giá vàng tăng thêm?
Theo kịch bản dự báo trung tâm của SSGA, giá vàng sẽ giao dịch trong biên độ 2.200-2.500 đô la/ounce trong nửa cuối năm 2024 nhờ Fed giảm lãi suất, đồng đô la suy yếu và nhu cầu trú ẩn an toàn do thị trường biến động trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Trong kịch bản lạc quan, SSGA nhận định giá vàng có thể giao dịch trong khoảng giá 2.500-2.700 đô la/ounce.
Min Lan Tan, người đứng đầu văn phòng đầu tư APAC của UBS Global Wealth Mângement nhìn nhận, ẩn số lớn đối với nhà đầu tư châu Á là cuộc bầu cử Mỹ sắp tới và khả năng xảy ra cú sốc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử. Để phòng ngừa cú sốc thuế này, UBS Global Wealth Management đang duy trì vị thế nắm giữ vàng.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5-11. Theo Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bị bán tháo trong một hoặc hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sau đó khi có sự chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử, chứng khoán sẽ tăng trở lại. Ông cho rằng, vàng sẽ được hưởng lợi trong cơn biến động của thị trường tài chính. “Chúng tôi nghĩ vào năm tới, vàng có thể tăng lên 2.700 đô la/ounce”, ông nói.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixs, cho biết, khẩu vị đầu tư vàng tăng mạnh mẽ khi giá được hỗ trợ nhờ nhu cầu của người tiêu dùng và khi kim loại quí này được xem là nơi trú ẩn tài sản trước những rủi ro địa chính trị.
“Vì vàng hiện được coi là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư nhằm đa dạng hóa rủi ro. Do vậy mối quan tâm từ các nhà quản lý tài sản ở khu vực APAC có thể sẽ duy trì và thậm chí còn tăng hơn nữa”, ông nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý, nhu cầu vàng có thể yếu đi phần nào nếu lạm phát giảm trong tương lai, đặc biệt là vì vàng không tạo ra dòng tiền và giá cả có thể biến động theo thời gian.
Theo Asianinvestor, SCMP