Dinh nhu cau dau

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hai tổ chức năng lượng lớn nhất thế giới, đang đấu khẩu gay gắt về đỉnh nhu cầu dầu thô (peak oil demand).

Đỉnh nhu cầu dầu ám chỉ đến thời điểm mà mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu đạt  đỉnh và sau đó, suy giảm vĩnh viễn. Về giả thuyết, điều này sẽ làm giảm đầu tư vào các dự án dầu mỏ vì chúng trở nên kém khả thi hơn về kinh tế khi các nguồn năng lượng khác thống trị thị trường.

Đối với tập đoàn dầu mỏ và OPEC, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, đó là vấn đề sống còn.

Vì vậy, chẳng có gì lạ khi gần đây, ông Fatih Birol, giám đốc của IEA, một tổ chức liên chính phủ ủng hộ các nước tiêu thụ dầu, dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối thập niên 2030 và ca ngợi đây và triển vọng đáng hoan nghênh, OPEC đã rất tức giận.

“Những mô tả như vậy chỉ khiến hệ thống năng lượng toàn cầu thất bại thê thảm. Điều đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn năng lượng ở quy mô chưa từng có, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và hàng tỉ người trên khắp thế giới”, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais cho biết trong một tuyên bố ngày 14-9. Ông cáo buộc IEA gieo rắc sợ hãi, có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhìn rộng hơn, cuộc tranh cãi này phản ánh xung đột đang diễn ra giữa mối lo ngại về biến đổi khí hậu và nhu cầu về an ninh năng lượng. Xung đột đó thể hiện đầy đủ tại Hội nghị Năng lượng tiến bộ quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi đầu tháng 10.

UEA sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 vào tháng 11 và đang quảng bá các chiến dịch bền vững của đất nước, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất dầu thô để chuẩn bị cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai. UAE là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.

CEO của các tập đoàn dầu mỏ lớn nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận kép, nhấn mạnh rằng công ty của họ là một phần của giải pháp chứ không phải là vấn đề. Họ cho rằng tiến trình chuyển đổi năng lượng không thể thành công, nếu không có sự hỗ trợ về an ninh và kinh tế của ngành công nghiệp dầu mỏ.

“Tôi không biết liệu chúng ta có đạt đỉnh nhu cầu dầu vào năm 2030 hay không. Nhưng sẽ rất nguy hiểm khi nói rằng chúng ta phải giảm đầu tư vào dầu mỏ vì điều đó sẽ cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng”, Claudio Descalzi, CEO của tập đoàn năng lượng Eni (Ý), nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

Ông cảnh báo rằng nếu đầu tư vào dầu mỏ giảm, khiến nguồn cung -giảm và không đáp ứng được nhu cầu, giá sẽ tăng cao, làm tê liệt các hoạt động kinh tế.

Descalzi thừa nhận rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch “đang tạo ra rất nhiều CO2”, nhưng ông nhấn mạnh thế giới không thể chỉ dựa vào năng lượng tái tạo và xem đó là tương lai.

“Chúng ta có cơ sở hạ tầng dầu mỏ, có khoản đầu tư cần phải thu hồi vốn và nhu cầu vẫn còn đó”, ông nói.

Trong báo cáo hồi tháng 8, IEA cho rằng nhu cầu dầu thế giới đang tăng cao kỷ lục và dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của xe điện và năng lượng tái tạo, cũng như việc phương Tây tránh xa khí đốt của Nga, sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu đạt đỉnh trước năm 2030.

“Dựa trên các chính sách hiện tại của các chính phủ và xu hướng thị trường, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% từ năm 2022 đến năm 2028 để đạt 105,7 triệu thùng mỗi ngày. Dù vậy, tăng trưởng nhu cầu hàng năm dự kiến sẽ chậm lại từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, xuống chỉ còn 0,4 triệu thùng/ngày vào năm 2028. Điều này báo hiệu đỉnh nhu cầu dầu nằm trong tương lai gần”, báo cáo của IEA hồi tháng 6 cho hay.

Để đưa phát thải khí nhà kính ròng về mức zero năm 2050, IEA tính toán rằng nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ cần giảm xuống còn 77 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030 và 24 triệu thùng/ngày vào năm 2050. IEA đang kêu gọi giảm nhu cầu dầu hàng ngày của thế giới 25% trong thời gian 7 năm.

Trong thời kỳ phong tỏa toàn cầu căng thẳng nhất do đại dịch Covid-19, vào tháng 3 và tháng 4-2020, nhu cầu dầu hàng ngày trên toàn thế giới đã giảm 20%. Điều này chỉ có thể xảy ra vì nền kinh tế đang suy thoái.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo OPEC dự báo nhu cầu dầu tiếp tục tăng hàng năm, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ủy liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) kết luận, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch cần phải giảm một nửa trong thập kỷ tới để đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Theo IPCC, khoảng 90% lượng khí thải CO2 toàn cầu đến từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp nặng.

Do đó, cuộc tranh cãi giữa những người ủng hộ hành động vì khí hậu và ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn không có hồi kết, bất chấp một số lời kêu gọi hai bên nên hợp tác cùng nhau. Các tập đoàn dầu mỏ cũng bị cáo buộc rút lại các cam kết về khí hậu trong những tháng gần đây sau khi lợi nhuận của họ đạt mức cao kỷ lục nhờ giá dầu tăng cao sau chiến sự Ukraine.

Trong cuộc trao đổi bên lề hội nghị ADIPEC, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais dường như tỏ ra ôn hòa trước những số liệu dự báo mới nhất của IEA.

“Tất nhiên, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng IEA. Nhưng điều mà chúng tôi tin tưởng là thế giới không thể thay thế hệ thống năng lượng đã tồn tại trong nhiều năm chỉ trong vòng 10-20 năm tới. Và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào dầu mỏ cũng như đầu tư vào năng lượng tái tạo, hydrogen”, ông al-Ghais nói.

Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

 

Scroll to Top