Tác giả: Trần Thị Hồng Thắm
Tính đến tháng 9 năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống và kinh tế nhưng một trong những ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất là ngành dầu khí toàn cầu. Tại Việt Nam, dầu khí là ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội của nước ta. Tuy nhiên khi phải đối mặt với tình huống “bế quan tỏa cảng” trong giao thương và các chính sách giãn cách xã hội trong nước, ngành dầu khí cũng đã chịu một phen “chao đảo”.
Ngành dầu khí Việt Nam và câu chuyện thích ứng nhanh với trạng thái kinh tế mới
Trải qua 4 làn sóng tấn công của đại dịch, các ngành kinh tế đã có những chuyển hướng tích cực giúp doanh nghiệp thích ứng trong hoàn cảnh mới. Theo báo cáo từ TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam), tính đến ngày ngày 16/9, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về cơ bản đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong 8 tháng đầu năm 2021. Câu hỏi đặt ra là Petrovietnam đã sử dụng “bí quyết” gì để có được kết quả như vậy bất chấp những ảnh hưởng của COVID-19?
Trước nhiều thách thức đặt ra, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo trước tiên là điều kiện sức khỏe cho người lao động và tuân thủ các biện pháp phòng chống, kiểm soát COVID-19. Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tổng công ty đã triển khai các đợt tiêm vacxin cho công nhân và thực hiện test kiểm tra Covid định kỳ. Bên cạnh đó, với chính sách thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một tuyến, hai điểm đến”, PetroVietnam đã chủ động áp dụng nhiều kịch bản ứng phó với COVID-19 cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào giúp nhanh chóng ổn định thị trường.
Người lao động Dầu khí kiểm tra hệ thống điều khiển.
Trong quá trình hoạt động, PetroVietnam cũng nhận thấy nhiều quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp với ngành dầu khí nói chung và đã tạo ra ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Hiện có khoảng 60 nội dung, vấn đề liên quan đến quy phạm pháp luật cần được sửa đổi để tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của không chỉ Tập đoàn Dầu khí mà còn của các doanh nghiệp khác. Một số quy định kể đến như quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư Quản lý và sử dụng vốn nhà nước, Luật Doanh nghiệp và Luật Đấu thầu.
Với những biện pháp “vừa chống dịch, vừa sản xuất” phù hợp, tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng nể. Tổng doanh thu của tập đoàn đạt hơn 390,7 nghìn tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch và tăng 24% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng 38% lên 56,9 nghìn tỷ đồng. PetroVietnam cắt giảm chi phí 2,04 nghìn tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch cả năm. Tập đoàn cũng đóng góp 733,8 tỷ đồng cho cuộc chiến chống COVID-19, trong đó 554,9 tỷ đồng cho quỹ vắc xin COVID-19.
Ngoài ra, với đặc thù của ngành dầu khí, một số vấn đề đang gặp phải trong hoạt động tổ chức của PetroVietnam vẫn chưa được đề cập, đề cập đầy đủ hoặc được đề cập đúng mức trong luật hiện hành. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo Luật Dầu khí sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Nhìn lại ngành dầu khí đã từng hứng chịu những tổn thất nặng nề từ đại dịch Covid 19
Khi COVID-19 đổ bộ, thị trường dầu thô được cho là chịu tác động kép bởi cú sốc cầu tiêu cực và sốc nguồn cung tích cực. Về phía cầu, các biện pháp hạn chế sự lây nhiễm COVID-19 như giãn cách xã hội, thực hiện phong tỏa, đóng cửa nền kinh tế đã gây ra những gián đoạn trong giao thông và suy thoái nền kinh tế (do giá dầu thô có độ co giãn của cầu theo thu nhập tương đối cao nên việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể dẫn đến sự suy giảm trong nhu cầu sử dụng dầu khí). Về phía nguồn cung, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC + đã làm trầm trọng thêm hướng suy giảm giá dầu lúc bấy giờ, với mức giảm 24% một ngày sau khi có thông báo chính thức từ World Bank, 2020. Cú sốc cung cầu song song này đã khiến giá dầu một phen lao dốc.
Biểu đồ VNIndex và chỉ số dầu khí Việt Nam đầu năm 2020 so với giá đóng cửa của hai chỉ số này vào ngày 31/12/2019
Tại Việt Nam, ngành Dầu khí thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), chịu sự giám sát của Bộ Công Thương cả về hoạt động và tổ chức trong ngành này. Theo Petrovietnam, mặc dù tổng sản lượng khai thác dầu quý I/2020 của Tổng công ty có sự gia tăng nhưng thực tế giá và nhu cầu tiêu thụ dầu thô đều giảm mạnh. Điều đó khiến các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Tập đoàn đều giảm so với kế hoạch trong năm cũng như so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng nhu cầu về xăng dầu của Việt Nam trong quý đầu tiên năm 2020 giảm 30% và có xu hướng tiếp tục giảm khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ và vận tải bị đóng băng trước chỉ thị cách ly xã hội. Chính bởi vậy mà doanh thời điểm này của Petrovietnam đạt 165 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% kế hoạch quý I và bằng 25,7% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoạch quý I và bằng 25,3% kế hoạch năm (PVN, năm 2020).
Ngành năng lượng hưởng lợi từ mảnh đất “màu mỡ” mang tên giá dầu tăng cao
Tại Hà Nội, giá dầu tăng lên cùng với sự phục hồi trong tổng cầu và nguồn cung thắt chặt hơn đã thúc đẩy cổ phiếu năng lượng và thị trường chứng khoán nói chung. Giá dầu thế giới ghi nhận tăng vọt vào ngày 27/9/2021 vừa qua. Đặc biệt giá dầu Brent lần đầu tiên vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong ba năm, nguyên nhân đằng sau đó là do các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung sẽ thắt chặt hơn và nhu cầu về dầu khí gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới sau đại dịch.
Diễn biến giá dầu Brent. Đơn vị: USD/thùng.
Giá dầu cao đã giúp cổ phiếu năng lượng tăng mạnh trong thứ Ba ngày 28/9, thúc đẩy tâm lý thị trường. PetroVietnam Gas (PVGas) là cổ phiếu có giá trị tăng mạnh nhất, đến 5,67%, trong phiên giao dịch hôm thứ Ba và đi lên dẫn đầu xu hướng của thị trường. Petrolimex (PLX), Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Công ty Cổ phần Than Đèo Nai (TDN), Công ty Cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin (TVD) và Công ty Cổ phần Than Mông Dương – Vinacomin (MDC) cũng có kết quả cao tương tự.
Ngày 26/9/2021, Tổ chức OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) đã đưa ra dự báo rằng nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Trong khi đó, một số thành viên thuộc các nhóm nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường. OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng từ 1,7 triệu thùng/ngày (bpd) tới 101,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Mặc dù có sự chuyển đổi năng lượng, OPEC cho rằng các nhà cung cấp trên thế giới nên tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn tình trạng suy thoái.
Theo như báo cáo của Vietinbank Securities, ngành công nghiệp khí cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Hiện nay, phần lớn sản lượng khí đang được sử dụng để sản xuất điện và phân đạm. Trong đó, theo cơ cấu nhu cầu khí bình quân hàng năm, ngành điện chiếm khoảng 77%, ngành phân bón chiếm 19% và các ngành khác chiếm 4%. Với nhu cầu đạm giảm và chủ trương phát triển điện khí hóa trong tương lai, Công ty Chứng khoán Vietinbank dự báo tỷ trọng ngành điện có thể tăng lên tới 84%, ngành phân bón có nguy cơ giảm xuống 9%. Vietinbank Securities cũng cho biết kể từ cuối năm 2019, Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự thiếu hụt nguồn cung khí để đáp ứng cho hai ngành công nghiệp này, tuy nhiên sản xuất trong giai đoạn 2021-2022 dự kiến sẽ không thay đổi ở mức khoảng 10-12 tỷ mét khối. Nhưng sang đến năm 2023, Việt Nam sẽ đón dòng khí đầu tiên về bờ từ dự án Sư Tử Trắng 2B dự kiến hoàn thành vào quý III, 2024 nâng tổng sản lượng khai thác khí lên đến 12,5 tỷ m3, trong đó Bể Cửu Long chiếm 2,7 tỷ m3.
Dự đoán phát triển ngành công nghiệp cơ khí
Với những tiềm năng đó, giới chuyên gia nhận định ngành dầu khí Việt Nam nói riêng và ngành dầu khí trên thế giới nói chung đang là \”miền đất hứa\” cho các lĩnh vực về năng lượng, đồng thời cũng là thị trường lý tưởng cho các nhà chứng khoán, sản xuất đầu tư và phát triển.
Tham khảo:
1. ncov.vnanet.vn. (n.d.). PetroVietnam rolls out measures to ensure operations in new situation. [online] Available at: https://ncov.vnanet.vn/en/news/petrovietnam-rolls-out-measures-to-ensure-operations-in-new-situation/9e469b67-6613-4977-9b20-73fe3424fe64 [Accessed 18 Sep. 2021].
2. vietnamnews.vn. (n.d.). Energy stocks benefit from higher oil prices. [online] Available at: https://vietnamnews.vn/economy/1050308/energy-stocks-benefit-from-higher-oil-prices.html [Accessed 17 Sep. 2021].
3. Mai, L.C. (2021). The Impact of COVID-19 on Stock Price: An Application of Event Study Method in Vietnam. Journal of Asian Finance, [online] 8(5), pp.523-0531. Available at: https://www.koreascience.or.kr/article/JAKO202112748675073.pdf.