Dù vốn ngoại vẫn vào VN, trước thực trạng sản xuất khó khăn vì dịch, đã có doanh nghiệp dời một phần hoạt động sang quốc gia khác khi các nhà mua hàng tìm nguồn cung thuận lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, tính đến năm 2020, nhà máy của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã cung cấp cho thế giới 2,9 tỷ sản phẩm công nghệ cao, tổng giá trị hàng hóa đã xuất khẩu đạt 50 tỷ USD.
Đầu năm nay, dù ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, Tập đoàn Intel vẫn khẳng định sẽ đầu tư thêm 450 triệu USD vào nhà máy này.
Hủy đơn hàng
Tuy nhiên, theo ông Bé, Intel rất “đeo bám” đầu tư vào TP.HCM và xem đây như một cứ điểm sản xuất nhưng không thể để tình trạng sản xuất kiểu “3 tại chỗ” như hiện nay kéo dài. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp nản lòng vì mấy tháng qua, kinh phí sản xuất của họ đã đội thêm 5 triệu USD.
Khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) và US-ASEAN (Hội đồng Kinh doanh Mỹ), có ít nhất 20% thành viên sản xuất của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác.
Bên cạnh đó, rất nhiều thành viên khác đang xem xét việc chuyển đổi sản xuất như thế nào. Và một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Trong văn bản kiến nghị vừa gửi Thủ tướng của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, họ cho rằng Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Việc dừng các đơn đặt hàng không chỉ là cảnh tỉnh từ nhà đầu tư nước ngoài mà các nhà cung ứng trong nước cũng xác nhận tình trạng này. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty thiết bị nhà bếp Vina (Vinalux), cho biết công ty đã dừng sản xuất kể từ ngày 15/7 đến nay nên không thể cung cấp hàng cho các đối tác.
“Các khách hàng Nhật cho biết họ có thể chờ 1-2 tháng nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa mở cửa nên họ đã hủy đơn hàng. Công ty phải chấp nhận để họ đặt hàng nơi khác. Họ không yêu cầu đền bù hợp đồng đã là may mắn”, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội cơ khí điện TP.HCM (Hamee), cũng xác nhận thời gian qua có nhiều doanh nghiệp trong ngành đã mất khách hàng. Đối tác đã tìm đến các thị trường khác như Brazil, Trung Quốc… Nếu họ quay lại thì trường Việt Nam thì chắc chắn số lượng đơn hàng cũng khó trở lại như trước.
Quyết liệt giữ chân khách hàng
Theo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, ngay bây giờ Việt Nam phải hành động để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.
“Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cũng cam kết và đầu tư vào tương lai với Việt Nam nhưng mong muốn lãnh đạo các tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi. Và vaccine là yếu tố then chốt”, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị.
Không chỉ doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp trong nước cũng rất mong chờ được hoạt động trở lại và bắt đầu từ các doanh nghiệp trụ cột xuất khẩu như dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, cơ khí…
Các doanh nghiệp quốc tế kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách để phục hồi sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, công ty đang lên kế hoạch mở lại sản xuất dù thiếu công nhân. Khi nhà máy hoạt động trở lại, có sản phẩm mới tính chuyện kết nối lại với các nhà mua hàng nước ngoài.
“Vì đã ngưng hoạt động nên để sản xuất ra sản phẩm mới chúng tôi phải mất vài tháng nữa. Và khi có sản phẩm mới có thể tính chuyện thương thảo lại với khách hàng cũ hay chào hàng đến những nhà mua hàng mới. Giờ thuyết phục được khách hàng cũ quay lại thì phải tính lại giá cả, chứng minh về sự đảm bảo thời gian giao hàng ra sao”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho hay công ty có 4 nhà máy ở Hải Dương, Quảng Ngãi, Hậu Giang và TP.HCM, và khi nhà máy tại TP.HCM dừng hoạt động vì có nhiều F0, các nhà máy tại Hải Dương và Quảng Ngãi phải gồng sức đáp ứng đơn hàng từ khách nước ngoài.
\”Cũng nhờ nhà máy đặt ở nhiều địa phương mới có thể giúp công ty có dòng tiền trang trải trong giai đoạn dịch bệnh này\”, ông nói và cho biết những tháng qua, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên hầu hết đều lấy hàng tồn kho ra dùng. Vì vậy, khi tái sản xuất, họ cần sự đồng hành của Chính phủ, của chính quyền địa phương.
“Chúng tôi cần sự kêu gọi của chính quyền với doanh nghiệp như khi chính quyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Đó là các bạn hãy chuẩn bị sản xuất đi, các bạn nhanh sản xuất trở lại. Bất kỳ khó khăn gì các bạn hãy gọi chúng tôi. Các doanh nghiệp đang rất cần một câu nói như vậy khi hoạt động trở lại”, ông Trần Việt Anh đặt vấn đề.
Ông Đỗ Phước Tống đề xuất thêm nên mở cửa từ từ, có lộ trình và phải chắc chắn chứ không mở rồi lại đóng. “Vấn đề hiện nay của TP.HCM và các tỉnh phía Nam là làm sao có cách quản lý người lao động một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khi mọi người cùng ra đường trong thời gian tới. Chỉ khi giữ được lao động, có được nguồn lao động an toàn cho sản xuất mới có thể làm ra sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Đỗ Phước Tống nói.
Bài toán hậu tái sản xuất
Để mở lại sản xuất đã đã khó, nhưng duy trì thế nào để an toàn cũng là mối lo của nhiều doanh nghiệp.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Nam Thái Sơn, cho rằng bài học của Thái Lan về sử dụng lao động rất hữu ích. Đó là họ thành lập một trung tâm trực thuộc Bộ Thương mại Hoàng gia Thái Lan và trung tâm này điều phối hơn 500.000 lao động sau dịch trở về các tỉnh, không quay lại Bangkok.
“Vấn đề của chúng ta là làm sao để lực lượng lao động đã trở về các địa phương được làm việc tại nơi họ vừa trở về. Nhà nước tăng cường đầu tư công, tăng cường phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để lực lượng lao động trở về địa phương không quay trở lại miền Nam mà vẫn có công ăn việc làm, vẫn có thu nhập. Đây là việc cần thiết và phải làm ngay”, ông Việt Anh đề xuất.
Còn với ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, vấn đề ông vẫn quan tâm nhất là việc tiêm vaccine.
“Biện pháp căn cơ nhất vẫn là đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động. Với lượng công nhân đang làm \’3 tại chỗ\’, khu công nghệ cao còn trên 20.000 lao động nhưng mới tiêm mũi 2 khoảng 50%. Còn tại Khu chế xuất Linh Trung (chủ yếu là doanh nghiệp FDI), ngoài phủ vaccine, các nhà đầu tư còn muốn thành lập bệnh viện dã chiến. Họ sẵn sàng kinh phí để đầu tư bệnh viện, nhưng chi phí vận hành và chữa trị cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Bé thống kê.
Đồng thời, ông cho rằng việc kéo dài mô hình sản xuất như mấy tháng qua khiến nhà đầu tư nản lòng, nên khi mở cửa lại, thành phố phải có quan điểm rõ ràng về giải pháp sống chung với dịch, đẩy mạnh tiêm mũi 2 cho lực lượng sản xuất.
Với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, nỗi lo đeo đẳng là mất đơn hàng. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hawa, cho rằng trong hoàn cảnh như hiện nay cần truyền thông cho đối tác biết rõ kế hoạch phục hồi để họ không dịch chuyển sang thị trường khác. Do vậy, các doanh nghiệp ngành đồ gỗ đã rốt ráo chuẩn bị một hội thảo trực tuyến (webinar) ngay trong tháng 9 để kết nối với những người mua lớn (buyer) trên thế giới.
Dựa trên kế hoạch mở cửa của các tỉnh, Hawa chia thành 3 giai đoạn cho lộ trình mở cửa, duy trì, phục hồi và tăng tốc. Mỗi giai đoạn cần 3-6 tháng và hướng đến mục tiêu cụ thể, phục hồi bao nhiêu phần trăm công suất, năng lực đáp ứng được bao nhiêu, từ đó người mua quốc tế mới lên được kế hoạch chung.
“Trước khi kết nối với người mua, các doanh nghiệp hội viên Hawa sẽ tham gia webinar về chuẩn bị nguồn cung ứng nguyên vật liệu vì sau những tháng thu hẹp công suất hoạt động, họ cần được cập nhật số liệu nhập khẩu gỗ từ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong đó, có đánh giá xu hướng ở thị trường, diễn biến giá trong thời gian tới. Dựa trên kế hoạch này, các doanh nghiệp hội viên có kế hoạch cụ thể cùng với năng lực sản xuất hiện tại để đưa ra những cam kết, giữ chân khách hàng”, ông Phương nói.
Theo zingnews.vn