sailam 1

Biết học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân là một điều tốt. Nhưng còn tốt hơn nếu bạn biết học hỏi từ những thất bại của những người xung quanh”. Warren Buffett

Thất bại dạy cho ta trở lên thông thái nhiều hơn thành công. Chúng ta quyết định những việc mình sẽ làm khi biết những điều mình sẽ không làm; những người không bao giờ mắc sai lầm sẽ chẳng bao giờ khám phá được những điều mới mẻ“. Samuel Smiles, tác giả người Scotland.

Gần đây, sau khi viết một bài báo về việc bán lại khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD, tôi đã nhận được rất nhiều bình luận và tin nhắn riêng. Vài tháng trước, khi viết về câu chuyện lần đầu khởi nghiệp cũng như một vài chiến lược thành công, tôi nhận được ít quan tâm hơn hẳn. Điều đó khiến tôi băn khoăn rằng giữa những câu chuyện về thất bại và những mẩu chuyện thành công, mọi người quan tâm điều gì hơn?

Warren Buffett đã từng nói: “Biết học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân là một điều tốt. Nhưng còn tốt hơn nếu bạn biết rút ra kinh nghiệm từ những thất bại của những người xung quanh.

Chính vì vậy, tôi cho rằng 7 sai lầm trầm trọng mà các công ty lớn đã mắc phải sau đây rất đáng để suy ngẫm bởi chúng ta có thể học được nhiều bài học quý giá.

  1. Sai lầm của Google hay Excite?

Vào năm 1999, khi mọi người lo lắng về sự cố Y2K phá hủy hệ thống máy tính toàn cầu cũng là thời điểm mà hai công cụ tìm kiếm Excite và Google chưa được biết đến rộng rãi. Larry Page (người thành lập Google) đã đề nghị bán công ty của mình cho Excite với giá 750.000 USD. Excite đã từ chối thỏa thuận sau khi chạy một số kết quả so sánh giữa Excite và Backrub (tên ban đầu của Google) và nhận thấy rằng công cụ tìm kiếm của Backrub quá nhanh.

Page giải thích: “Nếu Excite thỏa mãn người dùng bằng cách cung cấp cho họ thông tin cần thiết ngay tức khắc, thì người dùng sẽ rời khỏi trang web ngay. Nhưng nếu người dùng ở lại thì web mới có doanh thu từ quảng cáo – “độ dính” là chỉ số mà các trang web nhắm vào tại thời điểm đó do vậy việc sử dụng công nghệ của BackRub sẽ không đem lại nhiều lợi ích.

Kết quả là, năm 2004, Ask.Com mua lại Excite với 2% thị phần, trong khi Google có giá trị hơn một nghìn tỷ USD.

Bài học: Thay vì đuổi theo các chỉ số mà các đối thủ cạnh tranh nhắm đến, hãy đáp ứng nhu cầu của khách hàng trước tiên.

  1. Kodak và phát minh khiến chính họ bị bỏ lại phía sau

Thật nực cười khi một công ty cho ra đời một sản phẩm đột phá thị trường nhưng lại quyết định không đầu tư vào sản phẩm ấy. Kodak chính là một ví dụ cho sai lầm này.

Năm 1977, Kodak đã nộp bằng sáng chế cho một trong những chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên. Nhưng bởi lợi nhuận đến từ máy ảnh phim quá lớn nên họ quyết định tập trung hoàn toàn vào phim và máy ảnh phim. Ngay cả khi thị trường chuyển sang kỹ thuật số, Kodak vẫn kiên định gắn bó với máy ảnh phim.

Chụp ảnh mà không cần phim ư? Ban quản trị sau khi nghe ý tưởng đó đã thốt lên rằng: “Nghe hay ho đấy – nhưng đừng nói với ai nhé.”” Steve Sasson, kỹ sư Kodak, người đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số thuật lại.

Cuối cùng, Kodak cũng nhận ra điều mà cả thế giới đã biết trong nhiều năm – tương lai của nhiếp ảnh thuộc về công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, họ vẫn tập trung đầu tư sai sản phẩm. Năm 1996, Kodak chi 500 triệu USD để phát triển và bán hệ thống máy ảnh và phim Advantix. Giống như một máy ảnh kỹ thuật số, Advantix cho phép người dùng xem trước ảnh chụp nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào phim để in ảnh.

Kodak không thể từ bỏ vị trí dẫn đầu trong thị trường ảnh phim nên đã gạt bỏ ý tưởng phát triển máy ảnh kỹ thuật số. Tình hình kinh doanh không có dấu hiệu phục hồi, năm 2012, Kodak đã nộp đơn phá sản.

Bài học: Hãy thích ứng với nhu cầu của thị trường và nghiên cứu các triển vọng dài hạn trong tương lai. Đừng như Kodak, hãy sẵn sàng cho tương lai trước khi quá muộn màng.

  1. United làm vỡ cây đàn guitar và ” trái tim” của các cổ đông

Năm 2008, trên chuyến bay giữa Halifax ở Canada và Omaha, United Airlines đã làm vỡ cây đàn trị giá 3.500 USD của nhạc sĩ Dave Carroll. Carroll đã rất buồn và mong mỏi một sự đền bù xứng đáng. Tuy nhiên, United, vốn kém tiếng về dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình, đã đáp lại 9 tháng chờ đợi của nhạc sĩ Carroll bằng một lý lẽ rằng Carroll mất quá nhiều thời gian để gửi đơn khiếu nại. Họ còn viện ra nhiều lý do khác nhau để không phải nhận trách nhiệm. Điều này đã buộc nhạc sĩ Carroll sau đó phải thực hiện một sách lược chưa từng có.

Ông đã viết một bài hát có tên United Breaks Guitars và phát hành trên YouTube. Được phát hành vào ngày 6 tháng 7 năm 2009, bài hát với giai điệu hấp dẫn đã lan truyền nhanh chóng với 5 triệu lượt xem trong tháng đầu tiên. Sự kiện này đã khiến giá cổ phiếu của UAL giảm 10% – với tổng giá trị lên tới 180 triệu USD.

United Airline đã có thể đã tránh được thảm họa truyền thông và tài chính ấy nếu họ chịu đền bù một cây đàn trị giá 3500 USD

Bài học: Lý do khiến Jeff Bezos bị ám ảnh bởi khách hàng là bởi họ nắm giữ sức mạnh kiến tạo hoặc phá vỡ một doanh nghiệp. Phương tiện truyền thông hiện nay cho phép tất cả khách hàng thể hiện sự bất mãn của mình đối với các thương hiệu. Và Carroll đã tận dụng tối đa sức mạnh ấy bằng cách viết một cuốn sách mang tên: United làm vỡ cây đàn: Sức mạnh của một tiếng nói trong kỷ nguyên của phương tiện truyền thông.

  1. Một công ty có thể lụi tàn trong 10 giây như thế nào?

Gerald Ratner tiếp quản tập đoàn Ratners từ cha vào năm 1984. Trong vòng 6 năm, ông đã biến nó thành một doanh nghiệp với doanh thu hàng năm đạt 1,2 tỷ bảng Anh với hơn 2500 cửa hàng. Mặc dù không đạt chất lượng cao nhất trên thị trường nhưng các sản phẩm của ông vẫn hấp dẫn khách hàng. Công ty của ông đã thành công trong việc cung cấp các sản phẩm giá rẻ cho tầng lớp người lao động.

Khi tham gia phát biểu trước một hội nghị của Viện Giám đốc tại Hội trường Royal Albert vào ngày 23 tháng 4 năm 1991, có người đặt câu hỏi về việc vì sao công ty của ông có thể bán những sản phẩm rẻ tới vậy Ratner đã trả lời như sau: Mọi người thường hỏi tại sao chúng tôi có thể bán rẻ tới vậy. Đơn giản thôi, bởi vì tất cả sản phẩm đều là đồ đểu.”

Ratner tiếp tục nói về những đôi bông tai mà công ty mình bán như sau: “Thậm chí giá thành còn rẻ hơn cả một chiếc sandwich tôm của M&S và dĩ nhiên nó không thể bền.”

Các phương tiện truyền thông lập tức tập trung vào phát ngôn này. Hậu quả là cổ phiếu công ty đã giảm 500 triệu bảng Anh trong vài ngày đẩy công ty tới bờ vực sụp đổ. Ratner ngay lập tức bị sa thải, và công ty cuối cùng đổi tên thành Signet Group.

Ratner đã để lại một hiện tượng trong thế giới kinh doanh – giờ đây, khi ám chỉ một công ty chao đảo vì những phát ngôn vạ miệng trước truyền thông, người ta gọi đó là “Hiệu ứng Ratner”.

Bài học: Hãy lắng nghe lời khuyên của những người hiểu rõ bạn. Sau thảm họa truyền thông, vợ Ratner chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không ủng hộ Gerald phát biểu như vậy, nhưng anh ấy vẫn thích làm những điều mình muốn.” Ratner đã hối hận vì không nghe lời khuyên của vợ và cố đưa những lời ‘đùa cợt’ ấy vào bài phát biểu của mình.”

  1. Phủ nhận phát minh điện thoại vì coi đó là một loại đồ chơi

Năm 1876 Western Union (một công ty dịch vụ tài chính và truyền thông toàn cầu của Mỹ) được tiếp thị bởi một thanh niên tên là Alexander Graham Bell. Ông đã đề nghị bán một bằng sáng chế cho một thiết bị mình tạo ra có thể truyền âm thanh của giọng nói thông qua dây dẫn. Hay còn gọi là điện thoại. Giá chào bán của Bell là 100.000 USD.

Vào thời điểm đó, Western Union là một tập đoàn khổng lồ với 7000 văn phòng điện báo trên khắp nước Mỹ và giá trị sổ sách là 55 triệu USD. Công ty thống trị thị trường truyền thông lúc bấy giờ. Có người đã thuật lại rằng, Chủ tịch của Western Union lúc ấy là William Horton, đã cười nhạo Bell rằng: “Đồ chơi điện tử này có công dụng gì đáng để công ty tôi khai thác chứ?”

Sau khi bị từ chối, Bell quyết định thành lập công ty điện thoại của riêng mình- Bell Telephone. Dù đó là một khoản đầu tư khá tốn kém nhưng Bell đã nhanh chóng chứng minh rằng phát minh của ông không phải là một món đồ chơi. Hai năm sau, Orton thừa nhận đã mắc sai lầm lớn, công nhận bằng sáng chế của Bell là một món hời trị giá 25 triệu USD. Sau đó, Orton đã thuê Thomas Edison để tinh chỉnh bằng sáng chế và đưa ra một phiên bản điện thoại khác. Bell đã đưa họ ra tòa và giành chiến thắng. Vì vậy Western Union không thể tham gia thị trường mới và mắc kẹt với điện báo. Bell Telephone tiếp tục phát triển và sau đó đổi tên – thành AT&T.

Bài học: Đừng mãi giữ nguyên hiện trạng. Khi công nghệ phát triển, sản phẩm cũng cần được nâng cấp.

  1. Decca Records và lựa chọn sai lầm

Vào đầu năm 1962, bốn nhạc sĩ trẻ từ Liverpool đã thu âm 15 bài hát cho một buổi thử giọng. Họ đã giao bản ghi âm ấy cho Decca Records.

Người đứng đầu Decca, Dick Rowe, băn khoăn giữa các nghệ sĩ Liverpool và một ban nhạc địa phương Brian Poole và The Tremeloes.

Dick nhớ lại: “Cả hai đều xuất sắc, nhưng một bên là nhóm địa phương, bên còn lại đến từ Liverpool. Chúng tôi nghĩ rằng chọn nhóm địa phương sẽ có lợi hơn vì có thể dễ dàng làm việc và giữ liên lạc khi họ ở ngay Dagenham.”

Rowe và Decca không hề biết rằng đã từ chối một ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại – The Beatles. Decca đã bỏ lỡ hàng trăm triệu USD khi từ chối ban nhạc ấy. May mắn thay, câu chuyện này có một kết thúc có hậu. Năm 1963, khi người hâm mộ The Beatles càn quét khắp thế giới, George Harrison cảm thấy tiếc cho Decca nên đã đề nghị họ ký hợp đồng với một ban nhạc trẻ khác mà Harrison thấy triển vọng. Lần này Rowe đã không chọn một ban nhạc địa phương mà ký hợp đồng với một nhóm nhạc mà sau này nổi tiếng khắp thế giới với cái tên Rolling Stones.

Bài học: Các quyết định không nên dựa vào vị trí địa lý, đặc biệt là trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi không thể thực hiện được thỏa thuận với đối tác, hãy cố gắng duy trì các mối quan hệ với họ như cách Decca duy trì liên lạc với Harrison để có được hợp đồng với Rolling Stones.

  1. Bạn cần trở thành một nhà khoa học tên lửa để chế tạo ra tên lửa

Bài viết này sẽ kết thúc với một ví dụ cho thấy rằng ngay cả những người thông minh nhất cũng có thể mắc những sai lầm ngớ ngẩn nhất.

Năm 1999, NASA đã đánh mất một tàu quỹ đạo sao Hỏa trong không gian do một lỗi toán học cơ bản. Các kỹ sư tại Lockheed Martin khi tính toán đã chế tạo tên lửa sử dụng hệ đơn vị Anh trong khi nhóm NASA sử dụng các phép đo hệ mét. Sự khác biệt này đã khiến cho tàu thăm dò bị trục trặc và đi chệch hướng sau đó mất luôn dấu vết. Sai lầm này đã ngốn 125 triệu USD cho chiếc tàu hiện chưa rõ nằm ở đâu trong không gian và có thể đang được sử dụng bởi người ngoài hành tinh.

Bài học: Khi làm việc trong môi trường quốc tế, hãy đảm bảo việc giao tiếp được rõ ràng và cả nhóm cùng tuân theo một quy trình thống nhất.

Những công ty trên đã trả hàng triệu USD cho những bài học mà chúng ta đang đọc một cách miễn phí. Từ những thất bại của họ, tôi hy vọng chúng ta có thể sớm đến với thành công.

Nguồn: Mộc Dương, cafebiz.vn. Theo ENT

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top