Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất và kinh doanh trên thế giới cũng như Việt Nam. Sự gián đoạn cung cầu trên thị trường nội địa cũng như quốc tế là khó khăn lớn nhất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa phải đối mặt trong nửa năm qua. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không thể kịp thời thích ứng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thươn mại trong 6 tháng đầu năm 2020 đã cho thấy chỉ số tồn kho cao tại các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho cao như sau:
– Ngành dệt;
– Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ;
– Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất;
– Sản xuất xe có động cơ;
– Sản xuất từ khoáng phi kim loại;
– Chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã khống chế được sự lây lan dịch COVID-19, kể từ đầu tháng 5 đến nay, đà tiêu dùng tại thị trường trong nước đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thị trường nội địa trong tháng 6 ước tính đạt 431 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát và đánh giá từ Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và công ty Nielsen, hành vi và xu hướng tiêu dùng đã có sự khác biệt lớn trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, cơ cấu các mặt hàng tiêu dùng chính tại thị trường nội địa cũng đã có sự thay đổi lớn.
Theo công ty Nielsen, người tiêu dùng nội địa đang có xu hướng quan tâm hơn đến những nhóm hàng thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe, được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên chất lượng cao, giàu chất dinh dưỡng theo quy trình đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên hàng hóa, sản phẩm nội địa đang có xu hướng tăng cao so với nhiều nước trên thế giới.
Theo đánh giá của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhóm hàng thực phẩm và chăm sóc sức khỏe được nguời tiêu dùng ưu tiên lựa chọn tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Ngược lại tại Hà Nồi, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn nhóm hàng hóa không thiết yếu. Tại các địa phương khác, người tiêu dùng lại ưu tiên nhóm hàng hóa chất, chất tẩy rửa, sản phẩm vệ sinh.
Nhóm mặt hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đã được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn kể từ đầu năm 2020, và xu hướng này sẽ tiếp tục đến hết năm 2020. Những nhóm mặt hàng, sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều như:
– Hàng thực phẩm;
– Sản phẩm chăm sóc sức khỏe;
– Sản phẩm hóa chất, chất tẩy rửa;
– Nước chấm, gia vị;
– Đồ uống.
Ngoài ra, cách thức mua sắm cũng đã có sự thay đổi lớn trong thời gian vừa qua. Mô hình mua sắm trực tuyến được coi là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là những địa điểm mua sắm được đánh giá cao.
Nội dung Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương xem tại: https://www.moit.gov.vn/web/guest/bao-cao-tong-hop1
Thông tin tham khảo xem tại:
https://vnexpress.net/nhung-mat-hang-duoc-chuong-trong-6-thang-toi-4114732.html
https://vnexpress.net/nguoi-tieu-dung-chuong-thuc-pham-lanh-manh-sau-dich-4097377.html