Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Chính phủ cân nhắc thực hiện biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với xu hướng giá cả các hàng hoá, dịch vụ gia tăng.
Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6-2022 của WB, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, từ mức tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước trong tháng 4 lên mức 2,9% vào tháng 5.
Yếu tố chính khiến CPI tiếp tục gia tăng là giá xăng và dầu diesel liên tục gia tăng trong tháng 5 với mức tăng lần lượt 5,9% và 4% so tháng trước. Tương tự, giá phân bón tháng 5 tăng 5,6% so với tháng 4, trong khi giá mặt hàng này trong tháng 4 chỉ tăng 2,8% so tháng liền trước.
Giá sắt thép tháng 5 tăng 1,8% so tháng 4, trong khi giá mặt hàng này tháng 4 tăng tới 4,2% so với tháng liền trước.
Ngoài ra, lạm phát giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ, từ mức tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước trong tháng 4 lên mức 1,3% vào tháng 5.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá cả do nhà nước quản lý cũng tăng nhẹ, từ mức tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước trong tháng 4 lên mức 1,6% vào tháng 5.
Với diễn biến này, WB khuyến nghị các cấp thẩm quyền của Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.
Tương tự, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cũng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 trong khoảng 4-4,5% với 3 yêu tố chính gây áp lực lạm phát gồm lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Với lạm phát chuỗi cung ứng, ông Lâm cho biết đây là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến chỉ số lạm phát của Việt Nam do nền kinh tế có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài khi chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế.
Thậm chí, tỷ lệ này chiếm tới 50,98% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.
Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga đã làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung của nền kinh tế khiến giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng cao.
Để hạn chế tác động từ lạm phát, WB cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc áp dụng những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.
WB cũng lưu ý cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải. Vì vậy, chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính như lái xe tải cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung.
Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)