Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được xem là những “quả đấm thép” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Trả lời phỏng vấn VnEconomy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết chiến lược của Vĩnh Phúc trong thời gian tới là thu hút dòng vốn từ các tập đoàn xuyên quốc gia trong bối cảnh “bình thường mới” .
Thưa ông, dự kiến kết quả thu hút FDI năm 2021 của Vĩnh Phúc như thế nào khi Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh bùng phát dịch Covid-19 trở lại đầu tiên trên cả nước?
Năm 2021, Vĩnh Phúc dự kiến thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 253,75% kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đây là kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của Vĩnh Phúc trong việc không quên thực hiện tốt công tác xúc tiến và tiếp nhận đầu tư theo hình thức phù hợp ngay trong đại dịch để tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá khi dịch bệnh được kiểm soát.
Việc xúc tiến và tiếp nhận đầu tư của Vĩnh Phúc trong bối cảnh đại dịch cụ thể là gì, thưa ông?
Trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với sự xuất hiện một số chùm ca bệnh với biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm rất nhanh tại Vĩnh Phúc và một số tỉnh lân cận, chúng tôi xác định phải nhanh chóng, khẩn trương ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài cũng như kiểm soát chặt chẽ bên trong. Bởi đây là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, cùng với việc tăng cường áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả nhằm kiểm soát dịch Covid-19, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm, tháo gỡ khó khăn cho chuyên gia, cán bộ quản lý và người lao động tỉnh ngoài ở lại tỉnh trong thời gian có dịch.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời như chương trình trực tuyến “Gặp gỡ hàng tuần giữa lãnh đạo Vĩnh Phúc với doanh nhân”, đường dây nóng giải đáp thắc mắc… để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động…
Cùng với đó, tỉnh đã chủ động làm việc trực tuyến với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh trong lúc dịch bệnh diễn biến khó lường. Vì thế, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và Vĩnh Phúc từng bước quay trở lại “bình thường mới”, các thỏa thuận hợp tác, các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư gia tăng nhanh chóng. Thu hút FDI nhờ đó vẫn được đảm bảo và vượt kế hoạch đặt ra.
Có thêm 1,1 tỷ USD vốn đăng ký trong năm 2021 nghĩa là sau gần 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh, tổng vốn FDI vào Vĩnh Phúc đã đạt hơn 7,1 tỷ USD. Điều này cho thấy vốn FDI vào Vĩnh Phúc tăng mạnh trong những năm gần đây. Vậy ông đánh giá như thế nào về chặng đường 25 năm thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc?
Ngay từ khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những quyết sách mang tính đột phá để đưa Vĩnh Phúc trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu này, định hướng thu hút FDI của Vĩnh Phúc có sự điều chỉnh qua từng thời kỳ. Giai đoạn 1997-2004, Vĩnh Phúc chủ trương thu hút những dự án đầu tư có sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết bài toán công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như tăng thu ngân sách. Nói cách khác, giai đoạn này, chúng tôi tập trung thu hút FDI theo chiều rộng.
Đến năm 2004, khi Vĩnh Phúc “bước” vào nhóm các địa phương có tổng thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, quan điểm thu hút FDI của Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi. Một mặt, tỉnh vẫn tiếp tục thu hút những dự án FDI nhằm giải quyết công ăn việc làm cho lao động phổ thông, mặt khác, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao và sử dụng nhiều hơn lực lượng lao động đã qua đào đạo.
Đặc biệt, kể từ năm 2016 đến nay, về cơ bản, Vĩnh Phúc đã chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu. Chúng tôi chỉ chấp nhận những dự án FDI chất lượng cao, tạo tác động lan toả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề.
Dù đã trải qua nhiều thời kỳ thu hút FDI với định hướng khác nhau, nhưng với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương.
Đó là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ; huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư; tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp,….
Nhờ đó, thu hút FDI của Vĩnh Phúc luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu và khu vực FDI cũng luôn được coi là “quả đấm thép” giúp tỉnh vượt trội về công nghiệp. Nếu so sánh về số vốn đầu tư và số dự án, Vĩnh Phúc thấp hơn rất nhiều so với các địa phương thuộc TOP đầu thu hút FDI cả nước. Nhưng quy mô vốn/dự án của tỉnh lại thuộc nhóm cao trong cả nước, trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua.
Vậy định hướng thu hút FDI trong thời gian tới của Vĩnh Phúc sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong khi chưa thể mong đợi vào môi trường kinh tế toàn cầu khởi sắc hoàn toàn bởi dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp thì khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sẽ là cú huých cho giai đoạn tới. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ vừa đẩy mạnh công tác chống “giặc vô hình” (dịch Covi-19), vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Mới đây nhất, sau khi trở lại “bình thường mới”, Vĩnh Phúc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong đầu tư, phát triển dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD. Mặc dù, mới chỉ là cam kết đầu tư ban đầu song dự án sẽ mở ra những cơ hội mới cho địa phương trong việc thu hút đầu tư trong tương lai.
Giai đoạn tới, khu vực FDI tiếp tục vẫn là động lực tăng trưởng chính của Vĩnh Phúc nhưng cần được chọn lọc với định hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao… sẽ là ngành mũi nhọn.
Do đó, tỉnh sẽ chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng, nhất là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin về đầu tư cho doanh nghiệp qua các trang thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Theo VnEconomy