a34128ae28ecc1b298fd

Kinh tế Việt Nam đã đi qua nửa chặng đường với mức tăng trưởng thấp hơn dự báo do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Việc thực hiện hiệu quả \’mục tiêu kép\’ là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.

Động lực tăng trưởng chính bị ảnh hưởng

Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2021. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. GDP sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%.

“Kết quả tăng trưởng này cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Điểm sáng của bức tranh kinh tế là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh “tấn công” trực tiếp và các khu công nghiệp lớn và cầu tiêu dùng vẫn có sự tăng trưởng trên nền tăng thấp của cùng kỳ năm trước.

Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,42%% so cùng kỳ, giúp khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn 59% vào tăng trưởng GDP.

Bên cạnh nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành dệt may, sản xuất ô-tô… còn có năng lực mới tăng thêm từ các dự án công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, máy tính và các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn được xây dựng mới tại Nam Định, Hà Tĩnh…

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có kết quả đáng khích lệ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, máy tính… vẫn tăng trưởng cao hơn 20% và duy trì tăng trưởng tốt tại các thị trường lớn, thị trường có ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đáng lưu ý trong cơ cấu nhập khẩu, hơn 90% mặt hàng nhập khẩu là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, cho thấy dấu hiện phục hồi sản xuất trong những quý cuối năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm thấp hơn dự báo và kịch bản điều hành của Chính phủ.

Theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, mục tiêu tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm là 6,22%, đến cuối tháng 5 được cập nhật, điều chỉnh xuống mức 5,8%.

Nguyên nhân do dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Theo ông Phạm Đình Thúy, khu vực doanh nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp lớn vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề do phải tổ chức lại sản xuất bảo đảm điều kiện vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước sau khi đạt đỉnh tăng 22,4% trong tháng 4 đã giảm tốc, chỉ tăng 1,8% trong tháng 5 và tăng 6,8% trong tháng 6. Tính chung sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,91%, thấp hơn nhiều so mức dự báo tăng 12-15% nếu không có đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.

Tại Bắc Giang, sản xuất công nghiệp sáu tháng chỉ tăng khoảng 9% so mức dự báo 35-40%; tại Bắc Ninh tăng trưởng 10,9% so mức dự báo tăng gần 20%.

Bảo vệ sản xuất trong nước

Trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức dự báo quốc tế đã cập nhật và điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cũng nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6% theo chỉ tiêu Quốc hội giao và 6,5% theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ là nhiệm vụ rất thách thức, nhưng không nên đề xuất điều chỉnh mục tiêu để phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể.

“Tổng cục Thống kê từ đầu năm đến nay đã năm lần cập nhật kịch bản tăng trưởng nhằm cung cấp số liệu mới nhất giúp Chính phủ và các bộ, ngành có cơ sở đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp với từng lĩnh vực để có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát sáu tháng đầu năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% như chỉ tiêu Quốc hội giao. Song không được chủ quan trong công tác điều hành vì lạm phát năm 2021 có xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước và đang chịu sức ép lớn từ tăng giá hàng thế giới.

Tổng cục Thống kê đặc biệt nhấn mạnh đến giá xăng dầu và giá vật liệu xây dựng. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 tăng khoảng 55%, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước có thể tăng khoảng 35%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 1,3 điểm phần trăm.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã 10 lần điều chỉnh, chủ yếu là tăng giá, cho nên liên bộ Tài chính, Công thương cần theo dõi sát diễn biến giá thế giới, kết hợp với sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh tăng sốc giá bán lẻ xăng dầu.

Đối với mặt hàng sắt, thép xây dựng không chỉ tăng giá 30% trong sáu tháng đầu năm mà còn tăng rất mạnh về sản lượng nhập khẩu.

Do đó, cần có giải pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, thao túng giá để không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công.

Tổng cục Thống kê cảnh báo, sau thời gian dài xuất siêu, cán cân thương mại đã đảo chiều sang nhập siêu 1,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.

Trong đó, nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là ô-tô nguyên chiếc tăng rất cao so cùng kỳ (tăng hơn 94%), gây lãng phí ngoại tệ, tác động tiêu cực cho nền kinh tế và khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên, phụ liệu nhập khẩu tăng cao cũng gây bất lợi cho sản xuất những tháng cuối năm. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng lực tự chủ nguyên vật liệu đầu vào và hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, “thần tốc” hơn nữa trên mặt trận kinh tế để thúc đẩy sản xuất kinh nhằm giữ nhịp tăng trưởng và phục hồi từ quý 3.

Đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Bên cạnh đó, cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu nội địa; thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa và bền vững, tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết…

GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Bình quân sáu tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,47% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top