Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 – 6,5%. Dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đã sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ.
HSBC vừa phát hành báo cáo “Triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024”, trong đó nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ các yếu tố như Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.
Ngoài ra, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tích cực nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17 – 18 triệu lượt khách trong năm nay.
Cũng theo các chuyên gia HSBC, lạm phát vẫn dai dẳng và tiến gần đến trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc trì hoãn kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED đã khiến đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn và tạo ra biến động cho đồng Việt Nam. Tùy thuộc vào định hướng các ngân hàng trung ương trên thế giới quyết định chính sách lãi suất như thế nào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể duy trì cẩn trọng với chính sách lãi suất của mình.
Về thị trường vốn, thị trường cổ phiếu của Việt Nam là một trong những thị trường có kết quả tốt hơn ở châu Á xét dưới góc nhìn chung từ đầu năm tới giờ.
Ông James Cheo, Giám đốc Đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ Ngân hàng và Quản lý tài sản Chuyên biệt Toàn cầu HSBC cho biết: “Định giá cổ phiếu còn đang thấp so với nhu cầu. Lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục phục hồi vững vàng khỏi giai đoạn đáy trong năm 2023. Nếu lợi nhuận tiếp tục mạnh mẽ, thị trường cổ phiếu có thể duy trì đà tăng”.
Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định: “Tăng trưởng kinh tế dự báo phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ”, ông Paulo Medas cho biết.
Trong đó, chính sách tài khóa cũng đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 trong bối cảnh lương khu vực công dự kiến tăng mạnh và những nỗ lực không ngừng nhằm đẩy mạnh đầu tư công.
Ngoài ra, chuyên gia đánh giá cơ quan quản lý có những bước tiến pháp lý quan trọng trong năm nay. Với hệ thống ngân hàng, bên cạnh Luật Các Tổ chức tín dụng mới, cơ quan quản lý cần có tiếp các biện pháp khác để tăng cường giám sát và quản trị các thể chế tài chính. Việc sửa đổi Luật Đất Đai và các luật liên quan đến bất động sản khác nhằm giải quyết những nút thắt về pháp lý trong lĩnh vực này, song cũng cần thêm nỗ lực để tái cơ cấu các doanh nghiệp phát triển bất động sản yếu kém và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia IMF cho rằng những rủi ro vẫn còn cao. Xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế Việt Nam – có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng cầu trong nước dự báo vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn.
Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, Ngân hàng UOB đánh giá Việt Nam khởi đầu năm 2024 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng trưởng 5,66% trong quý I.
Theo các chuyên gia phân tích tại UOB, kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu năm nay của Việt Nam là nhờ sự hồi phục của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, cũng như sự tăng tốc trong hoạt động thương mại với bên ngoài với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, đảo ngược sự suy giảm trong hầu hết năm 2023.
Tính từ đầu năm đến tháng 5/2024, xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 18,6% so với mức âm trong cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại lên tới 7,8 tỷ USD so với đầu năm trong tháng 5, thấp hơn mức 9,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể từ đầu năm đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 8,3 tỷ USD trong tháng 5, nhanh nhất trong giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2018, đứng sau kết quả dòng vốn vào kỷ lục 23,2 tỷ USD trong năm 2023.
“Dữ liệu đầu tư FDI tại Việt Nam cũng khá lạc quan, điều này cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị và khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, chuyên gia UOB cho biết.
Theo đánh giá của UOB, trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới thì triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra.
“Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, kỳ vọng tăng trưởng GDP trong quý II sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý I. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024”, UOB đưa kỳ vọng.
Tại diễn đàn kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.
Để tiếp tục trợ lực cho khu vực tư nhân, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.
Theo Báo VNBusiness