Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt thuộc sở hữu nhà nước dừng bán lại khí đốt hóa lỏng (LNG) cho khách hàng đang thiếu năng lượng ở châu Âu và châu Á để đảm bảo nguồn cung trong nước, phục vụ nhu cầu sưởi ấm mùa đông.

Hôm 17-10, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã yêu cầu Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (PetroChina), Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) giữ lại các lô hàng LNG để sử dụng trong nước vào mùa đông này.

Bắc Kinh có thể đưa ra quyết định nói trên sau khi nhận được các dự báo cho rằng nguồn cung khí đốt trong nước có khả năng thiếu hụt ở mức độ nhỏ trong mùa đông này.

Trong những tháng gần đây, các nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã bán lượng tồn kho của họ sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhu cầu cầu trong nước suy yếu do tác động của các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 trên toàn thành phố và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng lớn để mua LNG dài hạn từ các nhà xuất khẩu như Mỹ với giá thấp, vì vậy, các nhà nhập khẩu của nước này đã bán lại nguồn cung đó cho khách hàng nước ngoài trên thị trường giao ngay để kiếm lời lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ cho mỗi lô LNG. Nguồn cung LNG của Trung Quốc đã phần nào hỗ trợ cho nỗ lực lấp đầy các kho trữ khí đốt cho mùa đông ở châu Âu.

Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm từ mức cao kỷ lục và đã chạm mức thấp nhất trong ba tháng vào hôm 17-10 sau khi Liên minh châu Âu (EU) thảo luận các biện pháp để hạn chế sự biến động thị trường của giá khí đốt tự nhiên chuẩn châu Âu. Hơn nữa, các kho lưu trữ khí đốt trên toàn châu Âu đã đầy 92% tính đến ngày 16-10, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE). Các kho này đang được lấp đầy nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu của EU và các nước thành viên.

Một lượng lớn các lô hàng LNG đến châu Âu đang gây áp lực cho thị trường khí đốt giao ngay của khu vực, khiến một số nhà cung cấp cân nhắc chuyển hướng các lô hàng LNG trở lại châu Á, nơi có mức giá hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, động thái dừng tái xuất khẩu LNG của Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung trong nước có thể làm giảm nguồn cung LNG đến châu Âu và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái năng lượng của khu vực này trong trường hợp mùa đông sắp tới vẫn lạnh bình thường.

Hiện tại, dù đã giảm mạnh, giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức cao kỷ lục vào thời điểm này hàng năm.

Các nhà nhập khẩu năng lượng Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đang diễn ra ở Bắc Kinh. Trong bài phát biểu khai mạc đại hội hôm 16-10, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và kêu gọi tiến hành chuyển đổi xanh một cách thận trọng để tránh những rủi ro của sự suy giảm nguồn cung.

Các nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc dự kiến đứng ngoài thị trường giao ngay trong mùa đông này vì tăng trưởng nhu cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Tổng nhập khẩu LNG của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh trong năm nay, xuống còn 65-67 triệu tấn, theo ước tính từ các công ty tư vấn JLC, ICIS và Rystad Energy. Con số này thấp hơn đáng kể với mức nhập khẩu LNG kỷ lục, 78,9 triệu tấn vào năm 2021. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm là 40,64 triệu tấn, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc.

Các nhà phân tích của JLC, SIA Energy và Rystad Energy dự đoán mức tiêu thụ khí đốt tổng thể của Trung Quốc sẽ không tăng trưởng hoặc thậm chí giảm 2%, xuống khoảng 370 tỉ mét khối trong năm nay, mức tăng trưởng chậm nhất từ năm 2002. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, nhưng họ sẽ đánh mất ngôi vị đó trong năm nay.

Nguồn tin từ hai nhà phân phối độc lập của Trung Quốc ENN Group và JOVO Energy cho hay họ sẽ giảm nhập khẩu LNG giao ngay trong quí 4.

Alex Siow, chuyên gia phân tích LNG và khí đốt của ICIS, nói: “Về cơ bản, việc Trung Quốc ngừng đấu thầu mua LNG giao ngay là rất tốt vì thị trường sẽ giảm bớt một đối thủ cạnh tranh lớn”.

Trung Quốc áp dụng mức giá bán buôn cố định đối với khí đốt tự nhiên trong nước, giới hạn ở mức 20 đô la Mỹ/ 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Dù giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm trong những tuần gần đây nhưng vẫn cao hơn mức đó hơn 50%, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu LNG giao ngay sẽ lỗ nặng nếu không được phép tái xuất.

Giá LNG giao ngay hàng tuần ở Bắc Á giảm xuống còn 32,5 đô la Mỹ/ mmBtu trong tuần tính đến ngày 14-10, thấp hơn 52% so với mức kỷ lục 72,5 đô la Mỹ trong tuần tính đến ngày 26-8.

Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top