Giá vàng thế giới giảm mạnh vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lập đỉnh mới, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (20/4) vẫn “cố thủ” mốc 70 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vì thế kéo giãn rộng…

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,15 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,85 triệu đồng/lượng và 56,65 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC sáng nay báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,45 triệu đồng/lượng và 70,15 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 350.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn gần 16 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,6 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Sự kéo giãn chênh lệch cho thấy giá vàng miếng không phản ánh đầy đủ mức giảm của giá vàng thế giới.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa nay đứng ở 1.947 USD/oz, giảm 4,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương gần 48,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm gần 800.000 đồng/lượng.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.815 đồng (mua vào) và 23.095 đồng (bán ra), tăng 25 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Giá USD ngân hàng liên tục tăng mấy ngày gần đây, phản ánh xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế.

Trong phiên New York ngày thứ Ba, giá vàng giao ngay giảm 28,6 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương giảm gần 1,5%, chốt ở 1.951,1 USD/oz.

Giá vàng lao dốc mạnh sau khi lên mức cao nhất gần 2.000 USD/oz trong phiên ngày thứ Hai. Nhà đầu tư bán mạnh vàng trong phiên ngày thứ Ba, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng lập đỉnh mới. Vàng là tài sản không mang lãi suất, lại được định giá bằng đồng USD nên thường mất giá trong môi trường lãi suất tăng và/hoặc khi đồng USD tăng giá.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã tăng vượt mức 2,95%, cao nhất kể từ năm 2018.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục đi lên trong thời gian gần đây.

Giới phân tích dự báo Fed có thể nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong hai cuộc họp vào tháng 5 và tháng 6 tới. Theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 đã lên tới 91%.

Đồng USD cũng hưởng lợi từ chủ trương chính sách tiền tệ của Fed, với chỉ số Dollar Index có lúc vượt mốc 101 điểm trong phiên ngày thứ Ba, cao nhất hơn 2 năm. Trong phiên châu Á sáng nay, chỉ số này dao động trên ngưỡng 100,8 điểm.

Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD đang là trở ngại lớn nhất đối với giá vàng trên con đường chinh phục lại mốc giá 2.000 USD/oz. Một số nhà phân tích nói rằng giá vàng chỉ có thể bứt phá qua ngưỡng 2.000 USD/oz nếu chỉ số Dollar Index giảm dưới 100 điểm.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa lạm phát, phong ngừa rủi ro địa chính trị do chiến tranh Nga-Ukraine, và phòng ngừa nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều vừa cắt giảm gần 1 điểm phần trăm trong triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh.

Với sự tác động của những yếu tố trái chiều như vậy, giá vàng quốc tế được dự báo có thể tiếp tục giằng co trong ngắn hạn.

Theo VnEconomy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top